Lãi vay thấp nhất 20 năm: Ngân hàng chào 3%, DN từ chối vì không có đơn hàng
Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục, thậm chí chỉ còn 3%/năm dành cho 1 số ngành nghề nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại vay vốn vì chưa thấy cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.
Lãi suất thấp, doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Theo báo cáo kết quả của Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động – cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân giảm 0,3 - 0,4%/năm trong quý I/2024 và giảm 0,2%/năm trong cả năm 2024.
Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 1/2024, nhiều ngân hàng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ lãi suất, gói vay ưu đãi.
Sacombank mới đây bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng vào gói tăng tốc sản xuất kinh doanh dành cho doanh nghiệp, nâng tổng hạn mức gói lên thành 30.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 - 12 tháng.
Trong đầu tháng 1/2024, Agribank cũng đã triển khai chương trình điều chỉnh chính sách lãi suất đối với các khoản vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm với thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời, Agribank cũng điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội. Các khoản vay còn được lựa chọn duy trì ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn, giảm phí trả nợ trước hạn.
Bước sang năm 2024, để hỗ trợ và thúc đẩy cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngay từ đầu năm, NHNN đã chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% (cao hơn mức 14% năm 2023) cho tất cả các TCTD, giúp các TCTD chủ động hơn trong việc cho vay. Ngoài ra, nếu nhu cầu thực của nền kinh tế cao, NHNN có thể nới mức tăng trưởng tín dụng lên 16%.
Trong năm nay, NHNN cũng sẽ tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu tiên đối với lĩnh vực trọng tâm như sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
Mặc dù lãi suất cho vay đã chạm đáy và xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua theo lời Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận nguồn “vốn rẻ” từ phía ngân hàng.
Chị Thu Thủy, nhân viên một ngân hàng liên doanh tại Hà Nội, chia sẻ với VietnamFinance: “Lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đã giảm mạnh từ mức 8 – 9% trong thời gian trước đó. Tuy vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong cuối năm 2023, đầu năm 2024 vẫn chưa nhiều. Thậm chí, khi chúng tôi liên hệ, nhiều doanh nghiệp sản xuất nói không có nhu cầu vay vốn nữa vì không có đơn hàng để làm”.
Theo một kế toán công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, công ty này vẫn phải vay với lãi suất 8% đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo và 13 – 15% trong trường hợp vay tín chấp.
“Lãi suất cho vay dù đã có hạ, song so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay thì vẫn còn quá tầm với. Các lĩnh vực ưu tiên thì dễ thở, chứ với nhóm doanh nghiệp đại trà như chúng tôi, chi phí lãi vay vẫn ăn hết lợi nhuận, thậm chí, lợi nhuận còn không đủ để trả lãi vay”, chị nói.
Trong chia sẻ với truyền thông, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, TGĐ Nagakawa, cho biết chi phí tài chính của công ty chiếm 3 - 4%, trong đó tới 70% là chi phí vốn vay. Với đòn bẩy tài chính lớn như thế, lãi suất dù đã giảm trong thời gian qua, nhưng vẫn còn cao thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, bà chia sẻ.
Vấn đề nằm ở cầu tín dụng
PGS - TS. Phạm Mạnh Hùng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng, nhận định trong năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7%, mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3,1%). Điều này thể hiện sự kém lạc quan lớn đối với triển vọng kinh tế của khu vực tư nhân, mà nguyên nhân quan trọng đến từ môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng cũng ở mức rất thấp, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52%, thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế là 5,05%.
Tất cả những yếu tố này đang là rào cản cho tăng trưởng tín dụng. “Vấn đề của thị trường hiện nay chủ yếu không còn nằm ở phần cung tín dụng nữa, mà nằm ở phần cầu tín dụng. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, mức cầu cho hoạt động tín dụng sẽ bị giảm sút bởi các doanh nghiệp không tìm được các cơ hội đầu tư thích hợp, kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm”, ông nói.
Theo ông Hùng, đối với người gửi tiền, có thể thấy mức lãi suất huy động các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử, tiền đã rẻ. Tuy vậy, tiền có thể đã rẻ nhưng chắc chắn chưa phải ở tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
“Đối với người đi vay, muốn khẳng định tiền thực sự rẻ hay chưa, chúng ta cần nhìn nhận mức lãi suất cho vay đối với các chủ thể trong nền kinh tế đã thực sự xuống thấp hay chưa.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, ngân hàng có vốn nhà nước, mức lãi suất cho vay về cơ bản đã giảm tương ứng với lãi suất huy động và về vùng đáy lịch sử.
Trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, do gặp khó trong việc cạnh tranh huy động nguồn vốn lãi suất thấp với các ngân hàng lớn, nên mức lãi suất cho vay vẫn chưa về mức thấp nhất được”, ông nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Hùng cho rằng điều quan trọng là cần tập trung cải thiện đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng trong nước.
Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên. Theo ông, cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh sao cho chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm đi, đồng thời, phải xóa bỏ được tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm nhằm cải thiện tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế, ví dụ như là chính sách tài khóa trong vấn đề thúc đẩy đầu tư công; nghiên cứu tiếp tục giảm thuế, phí, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng. Các chính sách kinh tế khác, đặc biệt là việc đẩy mạnh tính hiệu lực của các thỏa thuận thương mại, cũng cần được đề cao.
Đối với tiêu dùng trong nước, các tổ chức tín dụng cần có chính sách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, từ đó tạo động lực để kích cẩu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục những biện pháp để giúp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản vì đây là yếu tố quyết định lớn đến nhu cầu tín dụng cá nhân, ông nói.