Làm đường trên cao vượt Ngã Tư Sở: Kéo dài đến đâu?

GS.TS Bùi Xuân Cậy đề nghị làm cầu vượt nối sang đường Láng, không làm đường trên cao trên đường Láng mà chỉ mở rộng theo quy hoạch.

Để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại Ngã Tư Sở cũng như tránh được tình trạng thông đoạn này, tắc đoạn kia trên trục Vành đai 2, một cán bộ liên ngành Hà Nội thông tin trên báo Tiền phong, TP đang lên phương án xây dựng tiếp đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở và chạy đến nút giao Cầu Giấy, hoàn thiện đường Vành đai 2 chạy đến cầu Nhật Tân.

Quan tâm đến thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải đề nghị, chỉ cần làm cầu vượt nối đường Vành đai 2 trên cao từ Trường Chinh sang đường Láng, đoạn tiếp đất chừng 100-200m, đủ để xuống dưới đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

"Không nên làm đường trên cao trên đường Láng mà chỉ mở rộng theo quy hoạch. Nếu làm đường trên cao ở đường Láng thì sẽ phỉa vượt qua đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, đồng thời vượt qua một số cầu vượt trên cao Hà Nội đã xây trước đó, như cầu vượt Láng Hạ, Láng Trung, Nguyễn Chí Thanh.

Như vậy, đường sẽ nằm ở rất cao, cách mặt đất trên 10m. Khi ấy, để tiếp đất, đường dẫn phải kéo dài 250-300m, vừa chiếm đất vừa không hợp lý", GS.TS Bùi Xuân Cậy chỉ rõ và cho rằng, đường trên cao chỉ giúp các phương tiện đi nhanh, còn dưới cầu không khai thác được, đường xuống chiếm hết đất. Hiện nay đường Láng không có đường trên cao nhưng còn thông xe hơn đường Võ Chí Công vì các nút chính đã có cầu vượt qua.

Vành đai 2 trên cao thông xe khiến nút giao Ngã Tư Sở tắc hơn  
Vành đai 2 trên cao thông xe khiến nút giao Ngã Tư Sở tắc hơn  
 

Một điểm khác, theo vị chuyên gia, khi làm đường trên cao thì nhất định phải chặt hàng xà cừ cổ thụ đang tồn tại ở dải phân cách giữa đường Lán

Nhìn ra các nước xung quanh, GS.TS Bùi Xuân Cậy cho biết, các nước hạn chế làm đường trên cao trong nội đô do đường trên cao gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ cảnh quan, kiến trúc đô thị.

"Đường làm càng cao, tiếng ồn vọng càng xa, bụi ở trên cao bị gió thổi bay càng xa trong nội đô", GS Cậy nói, đồng thời dẫn chứng Hàn Quốc trước đây làm đường trên cao trong thủ đô Seoul, nhưng cuối cùng phải đập đi, phát triển đường hầm, tàu điện. Còn Trung Quốc cũng làm nhiều đường trên cao nhưng không mặn mà với loại đường này trong nội đô vì ô nhiễm.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia tái khẳng định, trước mắt, Hà Nội chỉ cần bỏ mấy trăm tỉ đồng làm cầu vượt nối đường Vành đai 2 trên cao từ Trường Chinh sang đường Láng, đoạn tiếp đất chừng 100-200m là đủ.

Phản hồi trên Đất Việt, nhiều độc giả cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ làm đường trên cao vượt Ngã Tư Sở và tiếp đất ngay đầu đường Láng để giải quyết tình trạng ùn tắc ở khu vực này.

Độc giả Đinh Xuân Lộc viết: "Nếu nhìn dài hạn thì chỉ nên kéo dài thêm khoảng 500 mét để vượt qua Ngã Tư Sở rồi xuống đầu đường Láng chỗ cây xăng là vừa. Còn kéo dài đường trên cao đến Cầu Giấy vừa tốn thêm 3.000 tỷ, hàng cây lại bị hạ và e rằng sẽ lại lặp lại lỗi "đường xuyên quốc gia" như đường vành đai 3. Lúc đó thì hối lại cũng không được và ai phải chịu trách nhiệm hay là lại rút kinh nghiệm để xây vành đai 1".

Độc giả Hồng Việt bày tỏ băn khoăn nếu xây dựng tiếp đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở, chạy đến nút giao Cầu Giấy: "Còn ga đường sắt trên cao chỗ đầu đường Láng, còn chỗ cây xà cừ giữa đường sẽ mất hết sao? Còn quy hoạch mở rộng đường Láng bao giờ thực hiện?". Từ đây, độc giả này cho rằng chỉ cần chỉnh lối lên xuống ở Ngã Tư Sở bằng phương án cầu vượt một bên chỗ lối lên đường trên cao từ Láng vào Trường Chinh, lối xuống tại Ngã Tư Sở giữ nguyên.

Chung quan điểm, độc giả Nam Nguyễn cho rằng, nếu vượt cả hai làn đường trên cao sang chỗ cây xăng đầu đường Láng sẽ chỉ chuyển phần tắc nghẽn chủ yếu từ bên đường Trường Chinh sang đường Láng ở phía ngược lại.

Từ hiện tượng tắc đường nặng nề sau khi thông đường trên cao so với thời điểm trước đó cho thấy nguồn gốc chính của tắc nghẽn là do xung đột của các luồng giao thông do thiết kế lối lên xuống của đường trên cao tại cùng một chỗ sát Ngã Tư Sở không hề phù hợp. Do vậy, theo anh Nam, giải pháp là tách hai lối lên xuống đầu Ngã Tư Sở sang 2 phía của đường Nguyễn Trãi có thể giải quyết được nhiều vấn đề, bao gồm cả việc xe đi vòng quá luẩn quẩn.

Độc giả Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn, phải nói thẳng ra rằng: Bộ GTVT cần xem lại trách nhiệm trong việc quy hoạch và xây dựng hệ thống đường.

"Không biết có tính toán gì ẩn đằng sau hay không nhưng các công trình được thực hiện cho đến nay có vẻ chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt? Vì vậy không lâu sau đó là phải cắt, xén để mở rộng hoặc phải xây thêm. Vừa tốn kém vừa nham nhở", độc giả Bình đặt câu hỏi.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt