Làm NOXH bỏ 20% diện tích để cho thuê là bất hợp lý

Hiện nay, việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn nhiều bất cập…

Tại Việt Nam, nhu cầu sở hữu nhà ở thành phố của một bộ phận người lao động thu nhập thấp như công nhân viên chức, công nhân, lao động tự do rất lớn. Đặc biệt, sau đợt cao điểm dịch covid, vấn đề nhà ở cho người lao động trở nên nhức nhối hơn. Tuy nhiên, số lượng cung cấp nhà ở xã hội ước tính chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đối với phân khúc này.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, dù thời gian qua chính quyền trung ương và địa phương đã nỗ lực đề ra nhiều chính sách, trợ cấp, ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nguồn cung vẫn chưa bao giờ đuổi kịp nhu cầu thực tế. Phần lớn lao động nhập cư thuê nhà trọ chủ yếu do các hộ dân xung quanh khu công nghiệp đầu tư xây dựng, cho nên vấn đề an ninh, vệ sinh và chất lượng còn hạn chế.

Theo Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), năm 2020, nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, con số này hầu như biến mất khỏi thị trường vào 6 tháng đầu năm 2022, trong khi căn hộ cao cấp chiếm đến 80,1%.

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54.000 căn hộ. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án NOXH, nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Riêng tại TP.HCM, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, có 23 dự án NOXH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường khoảng 17.900 căn hộ trong khi theo ước tính, nhu cầu về NOXH trong giai đoạn này là khoảng 80.000 căn…

 Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn.
 Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn.

Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Xây dựng bổ sung thêm nội dung như: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội,...

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị "Góp ý sửa đổi dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản" diễn ra mới đây, đại diện một số doanh nghiệp đang triển khai các dự án nhà ở xã hội đã đề xuất nhiều kiến nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) cho biết, hiện có nhiều thay đổi về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) là tốt, nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý liên quan đến doanh thu, chi phí, chi phí hợp lệ, bao nhiêu % là phù hợp.

Ông Tuấn kiến nghị, nên quy định nhà ở xã hội nên bao gồm cả nhà ở công nhân. Theo đó, trong 11 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo dự thảo, công nhân cũng được mua trong những trường hợp này. Bên cạnh đó, trong luật hiện nay cũng không quy định rõ về nhà ở công nhân trong khi đây là loại hình lưu trú rất đặc biệt. Nếu chính sách, chế độ đều giống nhau thì có nên để nhà ở công nhân cho 11 đối tượng này đều được mua, chứ không phải chỉ cho mỗi công nhân mua,...

Ngoài ra, ông Tuấn kiến nghị bỏ quy định nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó một năm mới được mua. Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về. Họ đã đăng ký lưu trú thì có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm.

Đồng thời, nên khuyến khích các chủ đầu tư được đưa vào giá thành khu công nghiệp. Giả sử tòa nhà đó 50 tỷ thì họ được quyền đưa vào hết. Công nhân gần như được miễn phí hoặc ở với chi phí rẻ, nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm.

Cùng quan điểm, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng cho rằng, quy định nên gọi chung là nhà ở xã hội không nên phân là nhà ở công nhân. Bỏ hoặc ghi rõ ràng không nên ghi mập mờ. Hiện nay các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100.

Theo ông Toàn, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20% diện tích sàn nhà ở tại dự án để cho thuê theo giá kinh doanh thương mại là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp. Ông đề nghị nên sửa đổi điều kiện này chỉ khoảng 3-5%.

Về thủ tục mua bán nhà ở xã hội, ông Toàn kiến nghị nên cho doanh nghiệp ký hợp đồng và gửi danh sách hợp đồng lên Sở Xây dựng hậu kiểm tra, thay vì gửi trước và chờ đồng ý mới được bán.

Việc doanh nghiệp phải làm thủ tục để xin được miễn thuế đất xây nhà ở xã hội cũng gây mất nhiều thời gian. Vì vậy đại diện Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng đưa ra kiến nghị nên trực tiếp miễn tiền tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, bỏ quy định phải làm hàng loạt thủ tục hành chính.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống