Bức tranh phục hồi kinh tế và tăng trưởng của Việt Nam
Việt Nam trước thách thức rất lớn về giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Bằng việc kết hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa, thực hiện miễn, giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng hoá thiết yếu Việt Nam vẫn được đánh giá mức tăng trưởng ấn tượng.
Kinh tế toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022 không thuận lợi như kỳ vọng. Mặc dù kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch nhưng rủi ro suy giảm đã gia tăng, với những bất ổn đến từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác, lạm phát tăng vọt, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt mạnh mẽ.
Nền kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong Quý 3 năm 2022. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu trong bối cảnh nhu cầu bị giảm dần dưới tác động của lạm phát cao và các điều kiện tài chính thắt chặt.
Các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, và do lạm phát nhất là lạm phát giá nhập khẩu năng lượng. Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đáng kể hơn dự kiến, do những tác động tiêu cực của sự lan rộng biến chủng Covid-19 cùng việc duy trì các hạn chế , cộng thêm đó là khủng hoảng thị trường bất động sản ngày càng sâu sắc, tiêu dùng nội địa và nhu cầu toàn cầu suy yếu. Sự suy thoái của Trung Quốc có thể lan sang các nền kinh tế lớn khác thông qua nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 7,2-9,4% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,0-6,5% vào năm 2023. Áp lực lạm phát từ phía cầu đã thúc đẩy các ngân hàng TW phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách tiền tệ, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Với lãi suất cao hơn tỷ giá, nhu cầu kinh doanh và hộ gia đình có thể sẽ chậm lại đối với cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nằm trong số ác quốc gia có giá nhiên liệu tăng cao, nhưng tỷ trọng trong rổ CPI lại ở mức trung bình trong tương quan so sánh giữa các nước ASEAN.
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu giai đoạn 2019-2023
Trong nửa đầu năm 2022, Fed đã tăng lãi suất từ 0% lên các mức 1,5-1,75%, đẩy lãi suất thế chấp tăng cao. Triển vọng kinh tế của Hoa Kỳ trở nên tồi tệ hơn trong mùa hè năm 2022 khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 9,1% vào tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm trước và không có xu hướng giảm. GDP thực tế của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 1,5-3,0% vào năm 2022 và tăng 0,3-2,6% vào năm 2023, giảm 0,5-0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Rủi ro suy thoái và lạm phát đình trệ đã được dự báo tăng thêm 0.5 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu. Những động thái này làm dấy lên nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Việc thắt chặt tiền tệ ở Mỹ sẽ tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh.
Đối với nền kinh tế Nhật Bản phục hồi trong quý 2 năm 2022 từ việc nới lỏng các hạn chế, thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và khu vực dịch vụ phục hồi. Lạm phát ở Nhật Bản đã vượt quá mục tiêu 2% của NHTW và dự kiến sẽ tăng thêm trong ngắn hạn do những áp lực từ nhu cầu của người tiêu dùng, giá năng lượng, lương thực tăng cao và đồng yên Nhật giảm giá so với đô la Mỹ, làm gia tăng chi phí nhập khẩu. Để đối phó tác động do giá cả tăng, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế bổ sung, trị giá 13.200 tỷ Yên (hơn 100 tỷ USD). Duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để đồng Yên trở nên yếu.
Tăng trưởng nền kinh tế Vương quốc Anh giảm nhẹ trong Quý 2 năm 2022, dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Vương quốc Anh đã bị hạ xuống 3,2% vào năm 2022 và 0,5% vào năm 2023. Lạm phát trung bình đã được điều chỉnh thành 8,6% cho năm 2022, do nguồn cung năng lượng và hàng hóa bị gián đoạn trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và những ràng buộc liên quan đến Brexit đang đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao Tại Anh, công cụ chính được sử dụng để giảm lạm phát là tăng lãi suất.
Để hỗ trợ lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%, ngân hàng Trung ương Anh (BOE) nâng Lãi suất Ngân hàng 0,5 điểm phần trăm lên 1,75% vào tháng 8 năm 2022. Khả năng Anh sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 tất cả phụ thuộc vào những gì xảy ra trong nền kinh tế. Điều này cảnh báo rằng trong bối cảnh các cú sốc lạm phát cao hơn vào cuối năm, Vương quốc Anh có thể bước vào một cuộc suy thoái cuối năm 2022, kéo dài đến năm 2023.
Xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam
GDP quý I/2022 tăng trưởng 5,03% (so với mức tăng 4,72% trong quý I/2021 và 3,68% trong quý I/2020) và tăng vọt lên mức 7,7% trong quý II/2022 – mức cao nhất so cùng kì 10 năm qua. Khu vực dịch vụ phục hồi đáng kể nhất, nhờ các dịch vụ tiêu dùng, vận tải, logistics và du lịch tăng trưởng trở lại. Khu vực NLTS tiếp tục cho thấy vai trò “bệ đỡ” tăng trưởng kinh tế.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng năm 2021 tăng 6,3%).
Tuy nhiên, ngành quan trọng là sản xuất lắp ráp ngành điện tử - máy tính - viễn thông, tốc độ tăng của chỉ số IIP có xu hướng giảm. Trong khi đó, ngành chế biến chế tạo, thì nhìn chung có mức tăng khá đồng đều ở các phân ngành, nổi trội hơn là ở phân ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá. Điều đó phản ánh nhu cầu trong nước có gia tăng cùng với mở cửa thị trường dịch vụ và du lịch.
Xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dệt may được kỳ vọng tiếp tục “tỏa sáng” trong những tháng còn lại của năm 2022. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới tiếp tục trong bối cảnh các FTA đã thực thi được một thời gian, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển quốc tế liên tục tăng cao. Các đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hoá thô toàn cầu tăng cao khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất của Việt Nam tăng, đẩy giá tiêu dùng đứng trước nguy cơ gia tăng. Áp lực lạm phát tăng cao.
Thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế
Thực hiện nhiều biện pháp nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp, điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới: sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; giảm thuế môi trường Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng để kìm giá xăng. Đồng thời trình Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10.
Kết hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa, thực hiện miễn, giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu, chiến lược, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Việt Nam duy trì sức mạnh đồng Việt Nam so với USD, bên cạnh việc hỗ trợ đảm bảo kìm chế lạm phát. NHNN đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay. Hiện dự trữ ngoại hối còn khoảng 97,7 tỷ USD. Con số này giảm đáng kể so với mức kỷ lục 110 tỷ USD (theo HSBC). So sánh tỷ giá đồng nội tệ so với USD của một số nước khu vực ASEAN +3.
Theo các chuyên gia, với những động thái can thiệp mạnh mẽ của NHNN, VND nhìn chung vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Đồng tiền Việt Nam trong thời gian qua còn được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ cán cân thượng mại liên tục ở mức thặng dư khá cao những tháng vừa qua và đã lên tới 5,49 tỷ trên tổng giá trị XNK 499,71 tỷ USD vào tháng 8 năm 2022.