Lạm phát khiến các ngân hàng đua tăng lãi suất, tiền gửi của người dân tăng
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lãi suất huy động có xu hướng tăng...
Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tiếp tục tăng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2022, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn gần 11,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 48.000 tỷ đồng so với cuối tháng 4 và tăng hơn 430.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến cuối tháng 5 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,86% so với cuối năm 2021, tương đương tăng 161.615 tỷ đồng. So với cuối tháng 4, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 11.589 tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 tiếp tục duy trì đà tăng, đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 36.889 tỷ so với tháng 4 và tăng 268.480 tỷ so với cuối năm 2021, tương đương tăng 5,07%. Tiền gửi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng ghi nhận tháng tăng thứ 10 liên tiếp, kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay.
Đáng chú ý, tốc độ tăng dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng cá nhân cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.
Tiền gửi của người dân liên tục tăng trong nhưng tháng đầu năm nay một phần do sự ảm đạm của các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đua nhau tăng lên suất huy động lên mức cao đi kèm các ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút tiền quay trở về hệ thống.
Báo cáo tài chính quý II/2022 của các ngân hàng cho thấy, tiền gửi của khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân tăng trưởng khá tích cực tại nhiều nhà băng trong nửa đầu năm 2022.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, tiền gửi của nhiều ngân hàng tăng trưởng tích cực, chẳng hạn như Bac A Bank, tiền gửi của khách hàng tăng 4% so với đầu năm, đạt hơn 97.000 tỷ đồng. Tại ABBank, tiền gửi khách hàng tăng 8,6% so với đầu năm, đạt 73.707 tỷ đồng hay LienVietPostBank với huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 3,1 so với đầu năm, đạt 185.788 tỷ đồng.
Lạm phát khiến các ngân hàng đua tăng lãi suất?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kể từ đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại đã tiến hành tăng lãi suất huy động. Trong nửa đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng với mức 0,5 - 1 điểm %, chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.
Ghi nhận thời gian qua, nhóm các ngân hàng cổ phần nhà nước, ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất vẫn ở mức dưới 4%. Trong khi các kỳ hạn dài hơn, lãi suất vẫn ở dưới mức 6%. Tuy nhiên, với nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân, rõ ràng có một cuộc đua lãi suất khi một số ngân hàng thậm chí đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên trên 7%, cao nhất hiện nay là 7,6%
Các chuyên gia phân tích rằng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng một phần là để hút nguồn tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao cho phục hồi kinh tế. Tính đến hết tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 9,35%, trong khi đó lượng tiền gửi trong nửa đầu năm chỉ tăng hơn 4%.
Việc tăng lãi suất huy động cũng được cho rằng phù hợp với xu hướng toàn cầu. Bởi hiện tại, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có đến 75 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất để ứng phó với gia tăng lạm phát chóng mặt. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Mặt bằng lãi suất cho vay-huy động được các TCTD dự báo có thể tăng nhẹ trong quý 3/2022 và năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.
Theo SSI, trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý 2/2022, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm có thể ổn định thị trường và hạn chế việc tác động lên mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng-tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.
Trong bối cảnh tiền VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao, giới phân tích nhận định, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
SSI đưa ra nhận định, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7% sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5%.
Thực tế, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng từ 1-2% so với đầu năm với các khoản giải ngân mới. Ghi nhận ở một số ngân hàng thương mại, một số khoản cấp tín dụng trước đó như cho vay mua nhà, đầu tư bất động sản… đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng.
Lạm phát tại Việt Nam có thể hơn 4%
Theo các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, lạm phát năm 2022 và 2023 của Việt Nam được dự báo lần lượt là 4,2% và 5,5%. Mức lạm phát này tăng cao hơn nhiều so với con số 1,84% vào năm ngoái.
Dù kết quả của Tổng cục Thống kê cho thấy các mặt hàng thiết yếu trong rổ lạm phát tại Việt Nam vẫn đang trong tầm khống chế. Tuy vậy, chuyên gia Standard Chartered cho rằng áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023. Điều này sẽ mang đến những rủi ro đối với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa vốn mới chỉ diễn ra được một thời gian ngắn. Lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn hoặc sẽ làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính.
Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào quý 4/2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.
Theo ông Tim Leelahaphan, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị còn tiếp diễn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì cách tiếp cận linh hoạt trong năm nay để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước hiện chưa đưa ra tín hiệu về sự thay đổi trong lập trường, cùng với đó, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, Standard Chartered nhận thấy một khả năng là Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến khi lạm phát ngày càng gia tăng và đồng VND mất giá nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là nếu Fed tiếp tục “lập trường diều hâu”.