Licogi 14 (L14) bị “thổi bay” hơn 700 tỷ đồng do “cố giữ” khoản đầu tư vào cổ phiếu DIG, CEO?

Không những kinh doanh thua lỗ do đầu tư chứng khoán, cổ phiếu L14 của Licogi 14 cũng lao dốc từ vùng đỉnh 440.000 đồng/cổ phiếu, mất đi gần 80% giá trị.

Đầu năm 2022 đến nay các nhà đầu tư đã nhiều phen lao đao khi thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều sự kiện lớn, chỉ số VnIndex đã có lúc tăng mạnh, vượt 1.500 điểm và cũng có lúc lao dốc, xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm. Cùng với đó, nhiều “nhóm chứng khoán” nổi lên với các “bậc thầy” được tung hô như những vị thần chứng khoán “đánh đâu thắng đó” như Thầy A7 Nguyễn Mạnh Tuấn hay nhóm Ngô Nam ở Royal City… Mỗi nhóm chứng khoán, lại có những mã cổ phiếu được “xướng tên” để các nhà đầu tư tất tay với nhiều hứa hẹn lãi lớn, giàu to…

“Đội lái A7” của Thầy Nguyễn Mạnh Tuấn phần lớn hướng các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu như DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC Corp) và CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O. Và chính 2 cổ phiếu “hình cây thông” này đã lấy đi bao công sức, nước mắt và tiền của của các nhà đầu tư khi đu trend, bám đỉnh.

Nhắc đến Thầy A7, cũng không thể không nhắc đến cổ phiếu L14 – một trong những cổ phiếu được nhóm này “đánh bóng” – vẽ nên đồ thị hình cây thông rõ nét nhất với biên độ biến động giá rất lớn. Licogi 14 cũng chính là doanh nghiệp do thầy A7 Nguyễn Mạnh Tuấn đang làm lãnh đạo. Và bản thân Licogi 14 cũng không thoát được cảnh thua lỗ đầu tư chứng khoán khi mang tiền đi đầu tư cổ phiếu thay vì làm đúng ngành nghề xây dựng, làm dự án bất động sản.

Tất tay vào DIG và CEO, Licogi 14 ghi nhận tạm lãi 330 tỷ đồng đến cuối năm 2021

Khi thị trường chứng khoán thăng hoa giai đoạn cuối 2021, Licogi 14 đã đầu tư 486 tỷ đồng vào 2 cổ phiếu DIG và CEO. Số liệu báo cáo cho biết đến 31/12/2021 Licogi 14 nắm giữ hơn 7,57 triệu cổ phiếu CEO với giá gốc bình quân gần 39.400 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị gốc đầu tư 298 tỷ đồng; và gần 2,89 triệu cổ phiếu DIG với bình quân giá gốc gần 65.200 đồng/cổ phiếu, tổng giá gốc đầu tư hơn 188 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm 31/12/2021 – thời điểm kết thúc năm 2021 Licogi 14 tạm tính giá trị số chứng khoán DIG và CEO đang nắm giữ có giá trị hợp lý hơn 815 tỷ đồng. Giá trị hợp lý này được tính trên cơ sở giá đóng cửa của các cổ phiếu này tại ngày 31/12/2021. Như vậy nếu “tất tay” chốt lãi, Licogi 14 sẽ ghi nhận số lãi xấp xỉ 330 tỷ đồng cho khoản đầu tư chứng khoán này.

Licogi 14 (L14) bị “thổi bay” hơn 700 tỷ đồng do “cố giữ” khoản đầu tư vào cổ phiếu DIG, CEO? - Ảnh 1

Hết quý 1/2022, Licogi 14 dùng 55% tổng tài sản đi đầu tư chứng khoán

Thế nhưng Licogi 14 vẫn quyết giữ. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 ghi nhận Licogi 14 “đổ” thêm gần 220 tỷ đồng vào đầu tư chứng khoán, nâng tổng giá trị đầu tư đến 31/3/2022 lên hơn 700 tỷ đồng, chiếm khoảng 55% tổng tài sản công ty thời điểm đó. Và do chứng khoán giảm, Licogi 14 cũng đã phải bắt đầu phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 4 tỷ đồng đến 31/3/2022. Trên BCTC quý 1/2022 của Licogi 14 không ghi rõ danh mục cổ phiếu đang đầu tư nhưng không loại trừ khả năng vẫn là “tất tay” vào 2 cổ phiếu hiện hữu là DIG và CEO. 

Licogi 14 (L14) bị “thổi bay” hơn 700 tỷ đồng do “cố giữ” khoản đầu tư vào cổ phiếu DIG, CEO? - Ảnh 2

Nói về việc đầu tư chứng khoán, Licogi 14 còn giải trình rằng công ty đã xác định ngành nghề kinh doanh chính là ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH, KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN, THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ. Do vậy công ty đã thành lập hội đồng đầu tư với đội ngũ có kiến thức, kinh nghiệp, trải nghiệm chuyên môn sâu, phân tích kỹ các mã chứng khoán có lợi thế, tiềm năng, uy tín và thương hiệu, đồng thời chớp thời cơ để bỏ vốn đầu tư. Công ty mẹ Licogi 14 cũng đã quyết định dành một phần vốn hợp lý để đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Số phận trớ trêu, "buôn chứng khoán" từ lãi lớn đến trích lập dự phòng gần 380 tỷ đồng

Số liệu ghi nhận trên BCTC quý 2/2022 vừa công bố cho thấy tổng số tiền đầu tư vào kinh doanh chứng khoán của Licogi 14 đã giảm nhẹ so với cuối quý 1, về mức 688 tỷ đồng, chiếm đến gần 87% tổng tài sản công ty tính đến 30/6/2022. Thời điểm này Licogi 14 cũng không list danh mục đầu tư chứng khoán của mình, nhưng không loại trừ khả năng vẫn là 2 cổ phiếu DIG và CEO giữ lại từ đầu năm.

Đáng chú ý, thời điểm đến cuối quý 2 vừa qua Licogi 14 đã phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư chứng khoán gần 380 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hơn 29 tỷ đồng ghi lỗ do thanh toán các khoản đầu tư ngắn hạn/dài hạn vào chi phí tài chính.

Licogi 14 (L14) bị “thổi bay” hơn 700 tỷ đồng do “cố giữ” khoản đầu tư vào cổ phiếu DIG, CEO? - Ảnh 3

Và “nếu như” – với một nhà đầu tư khác, câu nếu như được nhắc đến: Nếu như Licogi 14 chốt lãi số chứng khoán đầu tư này từ cuối 2021, nhận về khoản lãi 330 tỷ đồng, thì không phải “gánh” tiếp khoản “tạm lỗ” 380 tỷ đồng và khoản lỗ đã chốt 29 tỷ đồng vừa qua. Tổng chênh lệch cho phần “nếu như” này hơn 700 tỷ đồng.

Dành 85% tài sản đầu tư chứng khoán, Licogi 14 vẫn muốn "ôm" lâu dài

Licogi 14 nói gì? Giải trình cho việc đầu tư tài chính thua lỗ nặng nề, Licogi 14 cho rằng ngoài sự ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán trên Thế giới và tại Việt Nam, thì việc thời gian qua nhiều sai phạm lớn về thao túng giá chứng khoán, phát hành trái phiếu đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư, đến cảm xúc của các cổ đông.

Licogi 14 cho rằng hiện tất cả các mã chứng khoán công ty đang đầu tư đều là của các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, có nền tài chính vững mạnh, có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Do vậy Licogi 14 xác định sẽ vẫn “ôm” lâu dài chờ thời.

Dành đến hơn 85% tổng tài sản để đầu tư vào chứng khoán, kết quả kinh doanh của Licogi 14 có gì? Doanh thu quý 2 vẫn tăng trưởng 45% so với cùng kỳ, đạt 88 tỷ đồng. Thậm chí lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn tăng 16,7% so với cùng kỳ, lên 42 tỷ đồng. Tuy vậy do gánh nặng chi phí tài chính vì lỗ chứng khoán và phải trích lập dự phòng, nên Licogi 14 lỗ 346 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 23 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu vẫn đạt mức tăng trưởng 41% lên 117 tỷ đồng. Tuy vậy công ty vẫn ghi nhận lỗ 234 tỷ đồng do hoạt động tài chính. Có vẻ như, nếu không có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh lỗ vốn, để tập trung vào chuyên môn xây dựng, Licogi 14 vẫn sẽ có kết quả kinh doanh không tệ.

Cổ phiếu L14 đã "bay" gần 80% giá trị từ vùng đỉnh

Không chỉ kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu L14 của công ty cũng lấy đi không ít công sức, tiền bạc của các nhà đầu tư. Cổ phiếu L14 bắt đầu nổi lên từ đầu quý 4/2021 khi công ty xác định tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư tài chính, xây dựng và dịch vụ. Đồng thời cổ phiếu L14 cũng được các nhóm, các diễn đàn “tung hô” và “phi” một mạch từ dưới 100.000 đồng/cổ phiếu vượt lên ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu từ 12/10/2021 và nhanh chóng tăng gấp đôi chỉ 2 tuần sau đó, phiên giao dịch ngày 1/11/2021. L14 tiếp tục “điên cuồng” tăng mạnh, vượt 440.000 đồng/cổ phiếu chỉ 2 tháng sau đó, phiên giao dịch ngày 12/1/2022.

Tuy vậy L14 nhanh chóng lao dốc sau đó, và về quanh ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vào những ngày đầu tháng 7 vừa qua. Các nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” sẽ không thể xuống tàu do kẹt thanh khoản, kẹt giá…

Licogi 14 (L14) bị “thổi bay” hơn 700 tỷ đồng do “cố giữ” khoản đầu tư vào cổ phiếu DIG, CEO? - Ảnh 4

Thuỷ Trúc

Theo Chất lượng và cuộc sống