Licogi 14 (L14): Quý II lỗ nặng 350 tỷ đồng, danh mục chứng khoán đầu tư lỗ 55%

Nguyên nhân thua lỗ là vì L14 phải trích lập dự phòng mảng đầu tư tài chính, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan. Tuy nhiên, L14 khẳng định tất cả các mã chứng khoán đang đầu tư đều là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, có nền tảng tài chính vững mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường, nên xác định đầu tư ổn định lâu dài, chờ thị trường phát triển tốt lên.

Licogi 14 (L14): Quý II lỗ nặng 350 tỷ đồng, danh mục chứng khoán đầu tư lỗ 55%
Licogi 14 (L14): Quý II lỗ nặng 350 tỷ đồng, danh mục chứng khoán đầu tư lỗ 55%

Công ty Cổ phần Licogi 14 (HNX: L14) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên từ năm 2021, L14 chuyển hướng sang hoạt động đầu tư tài chính nhiều hơn, phân bổ lượng lớn nguồn vốn vào đầu tư chứng khoán, ngày càng xa rời hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Vì vậy, kết quả kinh doanh của L14 trở nên gắn chặt hơn với diễn biến của thị trường chứng khoán. Và sự tương quan đã tiếp tục thể hiện sâu sắc thông qua bản báo cáo tài chính quý II vừa được L14 công bố.

Về hoạt động kinh doanh chính, kết thúc quý II, L14 ghi nhận doanh thu thuần 88 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên với tốc độ tăng của giá vốn cao hơn, khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 42 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ.

Đáng nói, doanh thu hoạt động tài chính của L14 quý này đạt 7,2 tỷ đồng, dù cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, nhưng quá thấp so với 148 tỷ đồng đã ghi nhận trong quý I, là lãi đầu tư cổ phiếu.

Chưa dừng lại ở đó, chi phí tài chính của L14 tăng rất mạnh lên 402 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẻn vẹn 65 triệu đồng và quý liền trước là 16 tỷ đồng. Chiếm 375 tỷ đồng là dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, còn 23,4 tỷ đồng là lỗ do thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn.

Khấu trừ các chi phí vận hành có tăng, nhưng không đáng kể, L14 đã chịu khoản lỗ sau thuế lên đến 346 tỷ đồng trong quý II, trái ngược hoàn toàn số lãi 112 tỷ đồng của quý I, và 22,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

L14 cho biết nguyên nhân thua lỗ là vì doanh nghiệp phải trích lập dự phòng mảng đầu tư tài chính, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan. Tuy nhiên, L14 khẳng định tất cả các mã chứng khoán đang đầu tư đều là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, có nền tảng tài chính vững mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Vì thế, L14 xác định đầu tư ổn định lâu dài, khi thị trường phát triển tốt sẽ linh hoạt trong điều hành kinh doanh để đạt hiệu quả.

Hết quý II, L14 không công bố danh mục đầu tư chứng khoán của mình. Nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán 2021, L14 đã tiết lộ danh sách nắm giữ đến cuối năm, bao gồm gần 7,8 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O; 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Với giá gốc là hơn 486 tỷ đồng, khoản đầu tư lúc đó có mức lãi dự tính gần 330 tỷ đồng.

Sau 6 tháng đầu năm 2022, danh mục chứng khoán của L14 tăng giá trị gốc lên 688 tỷ đồng. Với dự phòng giảm giá chứng khoán là 375 tỷ đồng, các cổ phiếu L14 đang sở hữu đã lỗ khoảng 55%.

Quy mô tài sản của L14 cũng giảm 32% xuống còn 793 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền đi ngang ở mức 87 tỷ đồng, tuy nhiên tiền đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi dưới 12 tháng) đã giảm gần 150 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Do khoản lỗ lớn, vốn chủ sở hữu của L14 "bốc hơi" gần 30% xuống 518 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả giảm cũng giảm khoảng 33% so với cuối năm 2021, về mức 274 tỷ đồng, chủ yếu giảm ở khoản nợ vay tài chính ngắn hạn.

Vân Oanh

Theo VietnamFinance