Lộ diện quán quân bừng sáng thị trường BĐS các tỉnh phía Nam, đuổi sát nút Hà Nội và TP. HCM

Tại thị trường bất động sản (BĐS) miền Nam, tỉnh này có mức độ quan tâm tăng cao. Giá bán ở thị trường này cũng khá ổn định.

Theo báo cáo của trang batdongsan.com, thị trường BĐS quý III/2024 bắt đầu phục hồi. Phần lớn người mua nhà vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm và các chính sách điều hành cũng như thay đổi mới về Luật sẽ làm thị trường tích cực hơn. Vì vậy, thị trường BĐS quý III/2024 sẽ chưa thể có sự bùng nổ nào. Diễn biến này sẽ kéo dài sang quý IV và giai đoạn thăm dò sẽ kết thúc vào đầu năm 2025.

Lúc này thanh khoản xuất hiện trở lại nhưng với quy mô nhỏ lẻ và tập trung vào một vài loại hình với nhu cầu mua ở thực như chung cư, nhà riêng lẻ.

Tại Hà Nội mức độ quan tâm đến bất động sản tăng ở hầu hết mọi loại hình, nhất là đất nền tăng gần 118% so với cùng kỳ. Các phân khúc còn lại như nhà riêng, nhà phố, biệt thự đều tăng từ 27-46%. Thị trường BĐS TP. HCM cũng ghi nhận nhu cầu tìm kiếm đất nền tăng 46%, chung cư tăng 33%, nhà riêng tăng 34%, biệt thự, nhà phố tăng từ 22-24% so với cùng kỳ 2023.

Mức độ quan tâm của các thị trường BĐS. Ảnh: Batdongsan.com
Mức độ quan tâm của các thị trường BĐS. Ảnh: Batdongsan.com

Tại thị trường bất động sản miền Nam, Bình Dương là tỉnh có mức độ quan tâm tăng trưởng cao. Giá bán ở thị trường này cũng khá ổn định.

Cụ thể, mức độ quan tâm bất động sản Bình Dương quý III/2024 tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các địa phương khác như Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai có mức tăng từ 17%-22%. Mức độ quan tâm chung cư tại Dĩ An, Thủ Dầu Một và Bàu Bàng trong quý III/2024 dự kiến tăng lần lượt 20%, 11% và 10% so với quý II/2024.

Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại tỉnh lũy kế đến hết tháng 7/2024 của tỉnh Bình Dương đạt 41,5 triệu USD, chỉ thấp hơn Hà Nội (43,6 triệu USD) và TP.HCM (58,1 triệu USD).

Động lực tăng trưởng nào khiến Bình Dương bứt phá?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương tính đến hết năm 2022 đứng thứ hai với 84%, chỉ sau Đà Nẵng với 88%, theo số liệu của Bộ Xây dựng.

Một điểm khiến Bình Dương là tâm điểm mới của BĐS khu Nam là tỉnh này nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương và trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam. 

Tại Bình Dương, nguồn cung BĐS chiếm ưu thế lớn so với các tỉnh trong cùng khu vực. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy lượng tin đăng bán và cho thuê trong 8 tháng đầu năm 2024 của Bình Dương ở mức cao hơn hẳn so với các tỉnh ven TP. HCM như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước.

Bình Dương đứng đầu danh sách thu nhập bình quân của cả nước. Ảnh: Tổng Cục Thống Kê
Bình Dương đứng đầu danh sách thu nhập bình quân của cả nước. Ảnh: Tổng Cục Thống Kê

Điều này cho thấy nguồn cung bất động sản của Bình Dương đang chiếm ưu thế lớn so với các tỉnh trong cùng khu vực. Dự kiến Bình Dương có nhiều dự án mới, đáp ứng thiếu hụt nguồn cung ở phía Nam, từ các chủ đầu tư uy tín. Bên cạnh đó, giá bất động sản Bình Dương cũng ở mức cạnh tranh so với TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Trước năm 2016, tỉnh chỉ có 92 dự án bất động sản dân dụng. Đến thời điểm hiện tại, con số đó đã tăng 277% lên 349 dự án.

Một yếu tố then chốt khiến thị trường BĐS Bình Dương bắt đầu "ấm dần" trở lại là quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

Với quy hoạch này, Bình Dương dự kiến đón nhận nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, về cả chính sách chung và chính sách cho thị trường bất động sản.

Khuê Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống