Lộ trình cho mục tiêu gần 600km đường sắt đô thị Thủ đô: Giải bài toán 'gọi vốn' 55 tỷ USD
Dự kiến từ nay đến năm 2045, TP. Hà Nội sẽ phải huy động tổng số vốn 55,426 tỷ USD để hoàn thành 598,5km đường sắt đô thị - trục 'xương sống' của hệ thống hạ tầng GTVT trên địa bàn thành phố.
Tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội khoá XVI diễn ra vào ngày 1/7 mới đây, Giám đốc Sở giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Phi Thường đã trình bày tờ trình của Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố về đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thủ đô.
Đề án này được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị (metro) chính là trục 'xương sống' của hệ thống hạ tầng GTVT của thành phố. Do đó, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị là yếu tố tất yếu khách quan và là một động lực quan trọng giúp cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội diễn ra nhanh và bền vững.
Phát triển đường sắt đô thị sẽ gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô; mục tiêu phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng vào năm 2023 sẽ đạt 50-55%, sau năm 2035 sẽ đạt 65-67%.
1 kế hoạch với 3 phân kỳ
Theo như Đề án đến năm 2045, TP. Hà Nội sẽ hoàn thành 598,5km đường sắt đô thị, với tổng số vốn 55,426 tỷ USD. Trong đề án lần này, TP. Hà Nội đề xuất dự án sẽ triển khai theo hướng "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư", cụ thể:
Giai đoạn | Kế hoạch | Nguồn vốn |
2024-2030 | Sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (bao gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). | Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD. |
2031-2035 | Hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn, cần khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng | Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD. |
2036-2045 | Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km đường sắt đô thị các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. | Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD. Về phương án huy động của Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,600 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035. Giai đoạn sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung. |
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng đô thị
Trong định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, TP. Hà Nội sẽ có tổng số 15 tuyến; theo đó sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 gồm: Tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; số 2 Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi; số 2A Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai; số 3 Trôi - Nhổn - Yên Sở; số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 5 Văn Cao - Hòa Lạc; số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi; số 7 Hà Đông - Mê Linh; số 8 Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá và tuyến 9 Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai, với tổng chiều dài 10 tuyến là 417km, trong đó đường trên cao 342km và đi ngầm 75km.
Ngoài 10 tuyến đường sắt đô thị được triển khai theo quy hoạch chung, Hà Nội cũng bổ sung thêm 4 tuyến gồm: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.
Thêm vào đó, Thủ đô cũng sẽ có thêm đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam nhằm hoàn thiện tối đa hạ tầng đô thị.