Loạt dự án điện khí cả chục tỷ USD được khởi động trở lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Sau thời gian khó khăn, đến nay các dự án thuộc chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn với tổng số vốn lên đến 12 tỷ USD như các nhà máy I, II, III, IV,… đang được khởi động trở lại, nhiều dự án sẽ sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Chiều 12/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Tại hội nghị, cử tri quận Ô Môn nêu nhiều ý kiến, kiến nghị về những vấn đề nổi cộm như: đầu tư xây dựng các tuyến giao thông; dự án đường Ô Môn – Giồng Riềng và đặc biệt quan tâm tới tình hình triển khai chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Trung tâm điện lực Ô Môn.
Trả lời cử tri về dự án đường Ô Môn – Giồng Riềng, kết nối Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã có kế hoạch triển khai theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã phân cấp giao chủ quản đầu tư là UBND TP Cần Thơ sử dụng ngân sách địa phương, nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho dự án. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tập hợp giải quyết cùng với địa phương.
Về dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư để những điều chỉnh dự án cuối năm 2023. Chủ đầu tư dự án đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
“Hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Cần Thơ đang phối hợp với chủ đầu tư trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án theo quy định”, Thủ tướng thông tin.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau thời gian khó khăn, đến nay các dự án thuộc chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn với tổng số vốn lên đến 12 tỷ USD như: các Nhà máy I, II, III, IV, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn,… đang được khởi động triển khai trở lại, nhiều dự án sẽ sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Thông tin thêm về các vấn đề cử tri quan tâm, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết đối với dự án đường dẫn khí Lô B – Ô Môn, hiện chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư cũng đã trình Bộ TN&MT về khung chính sách bồi thường nêu trên để thẩm tra, làm cơ sở trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II-III-IV, hiện các dự án này đã giải phóng mặt bằng sạch 100%, tuy nhiên còn vướng bàn giao đất thực địa và việc chia sẻ các hạng mục dùng chung giữa các nhà máy.