Loạt dự án hạ tầng là 'bệ phóng' để huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận
Năm 2025, TP. Hà Nội sẽ đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận.
Sáng ngày 15/5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 16, TP. Hà Nội đặt mục tiêu sẽ đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận.
Vậy những công trình nào sẽ là "bàn đạp" để hai quận Đông Anh và Gia Lâm lên quận?
Tại Đông Anh, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía Bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên cũng vừa được lập báo cáo.
Tuyến đường có tổng chiều dài 2,2km, nằm trên địa bàn xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2022. Điểm đầu tuyến giao với đường quy hoạch tại phía Bắc thôn Cán Khê; điểm cuối giao với đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án là 245 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2025 đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (3,7km; 1.239 tỷ đồng); tuyến đường LK50, đoạn từ Quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm dài 5,9km; quy mô 1.303 tỷ đồng; tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 dài 3,8km; tổng 1.204 tỷ đồng; đường LK51 đoạn từ Quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ dài 5,7km; 1.168 tỷ đồng).
Đáng chú ý, giai đoạn 2023-2028, huyện Đông Anh sẽ thực hiện xây dựng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện dài 14,9km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Điểm đầu nằm tại nút giao cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt. Tuyến đường đi qua địa bàn 9 xã thuộc Đông Anh, bao gồm: Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê, Bắc Hồng và Nam Hồng.
Cũng trong giai đoạn này, huyện dự chi 800 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường ngoài hàng rào kết nối với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3)....
Tại Gia Lâm, theo bản đồ quy hoạch giai đoạn 2021-2030, huyện có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư, trong đó, có nhiều các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.
Dự kiến huyện sẽ có tất cả 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống.
Mới đây, cầu Vĩnh Tuy 2 có chiều dài 3,5km, rộng gần 20m, với 4 làn xe vừa đi vào hoạt động, góp phần kết nối với đường Vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Ngoài ra, còn có các cây cầu lớn khác bắc qua sông Hồng như: Cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên)...
Cùng với đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông tại Gia Lâm đã hoàn thiện như: Nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… mở ra nhiều trục giao thông xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận huyện, tỉnh, thành lân cận.
Dự kiến giai đoạn 2020-2050, sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi (Hoàng Mai) - Yên Viên - Như Quỳnh và số 8 Sơn Động (Hoài Đức) - Mai Dịch - Dương Xá đi qua địa phận huyện Gia Lâm.
Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có 4 tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: Đường đê Long Biên - Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội - Hưng Yên), Quốc lộ 17, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 (cũ) kết nối với Hưng Yên, hải Phòng.
Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường Quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đang tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn.
Trong tương lai, sẽ có nhiều tuyến đường sẽ mở qua Gia Lâm như Vành đai 3,5, loạt tuyến đường liên xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng, đường gom Quốc lộ 3 trị giá 135 tỷ đồng, đường 179 dọc đê Phù Đổng gần 180 tỷ đồng,… Hai tuyến metro kết hợp với các tuyến đường trọng điểm, các cây cầu sắp xây cũng sẽ giúp việc lưu thông giữa Gia Lâm với nội đô và các địa phương lân cận trở nên thuận tiện hơn.