Loạt nhà băng rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước

9 tháng đầu năm, loạt ngân hàng gồm cả nhóm ngân hàng lớn và nhỏ, như: MB, Vietcombank, ABBank, VIB,... đều tăng cường rút tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác về.

 

Loạt nhà băng rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1

Các ngân hàng thương mại luôn có một khoản tiền gửi tại NHNN và các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2022, loạt ngân hàng đã mạnh tay rút tiền về.

Cụ thể, tính đến 30/9/2022, các ngân hàng đã mạnh tay rút tiền khỏi NHNN. Điển hình tại ACB, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh từ 32.349 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 7.285 tỷ đồng, tương đương giảm mạnh 77% so với đầu năm.

Tương tự, tiền gửi tại NHNN của VIB cũng giảm tới 77%, từ 24.891 tỷ đồng xuống còn 5.774 tỷ đồng. Ngay cả ngân hàng MB cũng rút mạnh tới 67% tiền gửi tại NHNN, xuống còn 12.383 tỷ đồng.

Tại nhóm big4 ngân hàng, tiền gửi tại NHNN của Vietcombank giảm mạnh 49% so với đầu năm, chỉ còn 11.379 tỷ đồng; BIDV giảm tới 35% xuống còn 45.000 tỷ đồng và Vietinbank giảm 39%, chỉ còn 14.379 tỷ đồng. Riêng Agribank chưa công bố báo cáo tính quý 3/2022.

Những ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng dồn dập rút mạnh tiền gửi tại NHNN.

Điển hình tại ABBank, tính đến 30/9/2022 tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 85% so với đầu năm, còn gần 661 tỷ đồng; ngân hàng MSB cũng giảm tới 50% xuống còn 1.519 tỷ đồng; TPBank giảm 49% còn 9.188 tỷ đồng; ngân hàng Bản Việt giảm mạnh nhất đến 91%, chỉ còn vỏn vẹn 226 tỷ đồng; Nam A Bank giảm 21%, còn 4.068 tỷ đồng; LienVietPostBank giảm 48% xuống còn 5.111 tỷ đồng;…

Đáng chú ý, không chỉ giảm tiền gửi tại NHNN, các ngân hàng thương mại còn mạnh tay giảm tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác như VietABank tính đến 30/9/2022 giảm 64% so với đầu năm, xuống còn 8.093 tỷ đồng; Saigonbank cũng giảm tới 28%, còn 3.652 tỷ đồng; ngân hàng Bản Việt giảm 39% chỉ còn hơn 8.000 tỷ đồng;…

Những ngân hàng quy mô vừa cũng mạnh tay giảm tiền gửi tại các TCTD như VPBank tính đến 30/9/2022 giảm 20% xuống còn 32.115 tỷ đồng; TPBank giảm 12% còn 31.425 tỷ đồng; HDBank cũng giảm 14% còn 47.779 tỷ đồng;…

Thậm chí, lượng tiền cho vay tại các TCTD cũng bị rút mạnh. Chẳng hạn tại ngân hàng ACB, tính đến 30/9/2022 giảm tới 57% so với đầu năm, chỉ còn 2.617 tỷ đồng; Techcombank cũng rút mạnh tới 77% xuống còn 7.215 tỷ đồng; SeABank giảm 66% xuống còn 2.536 tỷ đồng;…

Ở một diễn biến có liên quan, số liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy, tổng cho vay khách hàng tính đến hết quý 3/2022 của 28 ngân hàng đạt hơn 8,28 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 4%, lên mức hơn 7,83 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay cao hơn tăng trưởng huy động phần nào thể hiện sự mất cân đối trong thanh khoản.

Trong báo cáo thị trường được công bố gần nhất, SSI Research cho rằng NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, nhất là dịp cuối năm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh sử dụng công cụ tài khóa nhằm giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ