Ngân hàng Nhà nước hút ròng trên kênh thị trường mở

Kết tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 55 ngàn tỷ đồng trên kênh thị trường mở.

(CL&CS) - Với việc có 58 ngàn tỷ đồng đáo hạn trong tuần trước, nghiệp vụ thị trường mở (OMO) vẫn được Ngân hàng Nhà nước sử dụng xuyên suốt tuần với tổng khối lượng phát hành mới là 43,6 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu duy trì là 6%.

Ngân hàng Nhà nước hút ròng trên kênh thị trường mở - Ảnh 1

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 55 ngàn tỷ đồng trên kênh thị trường mở.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã quay lại phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 40 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, dài hơn so với mức 7 ngày thường thấy trước đó. Hình thức đấu thầu cũng đã quay trở lại là đấu thầu lãi suất sau hơn 4 tuần sử dụng phương thức đấu thầu khối lượng. Lãi suất trúng thầu giảm về chỉ còn 4,5% vào phiên thứ Sáu từ mức 6% trước đó.

Kết tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 55 ngàn tỷ đồng trên kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm về 66 ngàn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 106 ngàn tỷ đồng vào đầu tháng 11 trong khi đó khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu là 40 ngàn tỷ đồng.

Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn chuẩn bị cho cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vào tháng 12 tới đây.

Nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng đã nhích tăng sau các động thái từ Ngân hàng Nhà nước, với kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở mức 5,4%, tăng 80 điểm so với tuần trước đó. Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đã được cải thiện, lên mức 150 điểm cơ bản. 

Trong cuộc họp tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ cho biết Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu việc nới hạn mức tín dụng hợp lý trong thời gian tới. Với tín hiệu mở đường từ Thủ tưởng, SSI Research cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng, nhằm có thể kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, đến từ một số yếu tố sau. 

Thứ nhất, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại là 13% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.

Thứ hai, hạn mức được phân bổ với tỷ lệ về các ngân hàng thương mại như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn dành cho Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, nếu tỷ trọng nghiêng nhiều về các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì thông thường đây sẽ là những ngân hàng thận trọng và không gặp nhiều vấn đề cho thanh khoản thắt chặt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra.

Thứ ba, chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống