Loạt 'ông lớn' BĐS nộp hàng nghìn tỷ tiền đất vào ngân sách
Năm tháng đầu năm, thu ngân sách từ nhà, đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết lũy kế 5 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 898.400 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái
Hai trong số 3 khoản thu cân đối ngân sách ghi nhận tăng trưởng là thu từ nội địa và xuất khẩu, lần lượt là 17% và gần 8%. Trong khi đó, thu từ dầu thô giảm 5,5%, còn khoảng 24.700 tỷ.
Đóng góp cho mức tăng thu nội địa là khoản thu từ nhà đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu từ nhà, đất tăng mạnh, theo Bộ Tài chính nhờ phát sinh số tiền nộp đầu năm nay từ các cuộc đấu giá, giao đất của các địa phương vào cuối 2023. Trong đó, dự án Vinhomes Vũ Yên (Hải Phòng) góp khoảng 5.600 tỷ, Ecopark (Nghệ An) 1.000 tỷ, Phố Mới (Hưng Yên) 700 tỷ, khu dân cư Mai Bá Hương (Long An) khoảng 970 tỷ đồng.
Đồng thời, một số địa phương cũng phát sinh thu tiền thuê đất một lần với một số dự án như Vinhomes Vũ Yên 1.000 tỷ, dự án Mặt trời Kiên Giang 644 tỷ, cáp treo Hòn Thơm 570 tỷ, EcoLand (Hưng Yên) 580 tỷ.
Ngoài ra, tiền thu từ nhà, đất tăng mạnh so với cùng kỳ bởi 5 tháng đầu năm 2023 thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 12, làm giảm số tiền thu khoảng 38.000 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tháng 5, ngân sách chi khoảng 140.000 tỷ đồng. Sau 5 tháng, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 656.700 tỷ đồng, bằng khoảng 31% dự toán, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Dù đã gần hết quý II, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quá trình phục hồi của thị trường sẽ tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng “thăm dò”. Hiện nay các nhà đầu tư, người mua nhà cũng như doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở đều có tâm lý chung là chờ đợi, xem các chính sách mới liên quan đến đầu tư - kinh doanh bất động sản sẽ tác động như thế nào đến thị trường.
Đặc biệt là những điểm mới của Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ có tác động khi đi vào thực tiễn. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước hay không. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản, tạo cơ hội tăng giao dịch. Từ đó thúc đẩy nguồn cung bất động sản và đảm bảo sự bình đẳng, công bằng đối với người dân.
Cũng theo ông Đính, thị trường năm 2024 sẽ thanh lọc những chủ đầu tư tài chính kém, thay vào đó là những chủ đầu tư có tài chính lành mạnh, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh... Bởi khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các dự án bất động sản buộc phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch, thiết kế mới được bán hoặc cho thuê.
Tương tự, Luật Kinh doanh BĐS đã quy định một số điểm mới, như môi giới không được hoạt động tự do mà phải tham gia sàn giao dịch; DN kinh doanh dịch vụ BĐS phải công khai thông tin BĐS trước khi đưa vào kinh doanh; cấm phân lô bán nền đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III; quy định trước khi bàn giao nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán thay vì 70% như hiện tại.
Như vậy, những quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản sẽ loại bỏ nhiều môi giới không chuyên, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch trên thị trường.
Về Luật Nhà ở, quy định chung cư mini trong Luật Nhà ở 2023 được xem xét cấp sổ hồng nếu đáp ứng đủ điều kiện, tạo cơ hội tiếp cận nhà ở đối với người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu nhà. Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định không quy định thời hạn sở hữu chung cư, qua đó góp phần thúc đẩy việc phát triển phân khúc này trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, đặc biệt trong trung tâm các thành phố lớn.
Đối với phân khúc nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 cũng quy định bổ sung đối tượng được đầu tư phát triển nhà ở xã hội và cả đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Từ đó giúp thị trường gia tăng nguồn cung nhờ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hợp lý hơn, bổ sung các chính sách ưu đãi thiết thực.