Lộ diện 'ông lớn' đề xuất đầu tư 'siêu cảng' nước sâu đứng top 11 thế giới tại Việt Nam, từng được 'đại bàng' Mỹ ngỏ ý đầu tư
Với tổng vốn đầu tư khoảng 50.820 tỷ đồng, Bộ GTVT đang yêu cầu liên danh nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Cảng Cái Mép Hạ (còn gọi là cảng Cái Mép - Thị Vải), được xây dựng ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều lợi thế khai thác, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Nhằm kéo dài bến cảng để có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, đồ án điều chỉnh quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích nâng lên hơn 2.200ha, biến khu vực này thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới. Với tổng mức đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.
Với quy mô tầm cỡ và vị trí chiến lược trong bản đồ hàng hải Việt Nam, siêu cảng Cái Mép Hạ nhận được sự quan tâm của nhiều "ông lớn". Mới đây, Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) đã đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Giai đoạn 1 (2024-2030) đầu tư 2 bến với tổng chiều dài 0,9km cho tàu tải trọng đến 250.000DWT.
Trong văn bản gửi Chính phủ tuần qua, Bộ GTVT đánh giá việc liên danh nhà đầu tư đề xuất giai đoạn 1 là phù hợp với quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về quy mô cảng. Bộ ủng hộ nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các bến tàu.
Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 50.820 tỷ đồng, Bộ GTVT cho rằng, liên danh nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, khả năng thu xếp nguồn vốn làm cơ sở để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Trước đó, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước "tham vọng" cảng Cái Mép. Giữa tháng 9/2023, Nhà Trắng công bố công ty điều hành cảng SSA Marine (Seattle, Mỹ) và công ty Gemadept (Việt Nam) có ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Ngoài SSA Marine, siêu cảng này còn được sự quan tâm của 7 nhà đầu tư tiềm năng khác là Liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis – Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel, TCT Tân Cảng Sài Gòn...
Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), một trong hai cảng đặc biệt của Việt Nam hiện nay (cùng với cảng quốc tế Hải Phòng), đóng vai trò là cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh Nam Bộ và là cảng trung chuyển quốc tế công suất lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Cảng quốc tế Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu). Đặc biệt, cảng Cái Mép của Việt Nam được xếp hạng cao hơn 3 cảng trung chuyển lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31), Hồng Kông (thứ 38) và cảng Cái Mép xếp hạng trên cảng Yokohama – Nhật Bản (thứ 12).