Logistics xanh: Nâng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng tiêu dùng bền vững lên ngôi, logistics xanh không chỉ là lựa chọn mà đang trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Sau cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, Việt Nam đang từng bước xây dựng lộ trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn. Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của kế hoạch.

Đồng thời, với việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng về giảm phát thải trong Chương trình hành động về chuyển dịch năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam đang xây dựng nền tảng chính sách vững chắc, thúc đẩy vận tải đa phương thức, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch hơn và công nghệ số.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, phát triển Logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam cũng đã xác định “phát triển Logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.
Đặc biệt, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã cập nhật những tiêu chuẩn ngày càng gắt gao của thế giới về phát triển xanh và bền vững. Logistics xanh đã nằm ở trung tâm trong chiến lược phát triển, trách nhiệm với môi trường và các yêu cầu pháp lý, thậm chí lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp...
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những biến động chưa từng có, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá, chi phí vận tải tăng cao, đến các rào cản kỹ thuật như thuế carbon và tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ mang tính lịch sử.
“Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải – Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định rằng logistics xanh đang ngày càng trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, thích ứng tốt hơn trước những cú sốc của thị trường toàn cầu và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế. Ông cho biết, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 về chỉ số hiệu quả logistics, thuộc top 5 ASEAN. Ngành logistics tăng trưởng bình quân 16%/năm, đóng góp tích cực đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 vượt 786 tỷ USD.

Trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng, thuế carbon hay tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn, logistics xanh nổi lên như một “lá chắn kinh tế” giúp doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về môi trường. Theo ông Hải, logistics xanh là sự kết hợp giữa công nghệ, tối ưu vận hành và ý thức bảo vệ môi trường - từ việc sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, container thông minh, quản lý kho bãi số hóa, đến tối ưu hóa lộ trình vận tải.
Logistics xanh không chỉ là xu thế mà đang trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu. Doanh nghiệp Việt cần nhìn nhận đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Việc chậm chuyển đổi không chỉ khiến doanh nghiệp tụt lại phía sau mà còn đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.