Lợi nhuận một ngân hàng chỉ 8 triệu đồng

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ xấu nội bảng của Ngân hàng này đạt 8.556,5 tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 17,93%, có nghĩa là trong 100 đồng cho vay thì có gần 18 đồng là nợ xấu.

Việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như ngân hàng
Việc xử lý nợ xấu luôn là vấn đề gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như ngân hàng

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, cho vay khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, HNX: NVB) đạt hơn 47.722 tỷ đồng, tăng 14,7% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên chất lượng tín dụng của nhà băng này suy giảm rõ rệt khi Nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 tăng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của NCB tăng cao do ngân hàng đã thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch Covid-19 hết hạn vào ngày 30/6/2022. Vì thế, trong năm, ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN.

Năm 2022, NCB trích lập 308 tỷ đồng cho chi phí dự phòng, giảm hơn 441 tỷ đồng so với 749,2 tỷ đồng trong năm 2021.

Bên cạnh đó, thì kết quả kinh doanh của NCB lại kém khả quan khi báo lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng trong năm 2022. Nguyên nhân là nhà băng này báo lỗ sau thuế liên tiếp trong quý 2 và quý 3.

Trong quý 4/2022, NCB đạt gần 481 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng kinh doanh ngoại hối báo lãi 75,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 21,3 tỷ đồng); Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lãi 3 tỷ đồng và hoạt động khác báo lãi 7,5 tỷ đồng.

Do đó, NCB báo lãi sau thuế gần 181 tỷ đồng trong quý 4/2022 trong khi cùng kỳ lỗ hơn 163 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, NCB đạt 931,7 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 26% so với năm 2021; Lãi thuần từ dịch vụ giảm 7,5% xuống mức 132,84 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 53,2% xuống còn 166,7 tỷ đồng;

Điểm sáng trong bức tranh tài chính của NCB trong năm 2022 là hoạt động kinh doanh ngoại hối báo lãi 83,8 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 18,2 tỷ đồng; Hoạt động khác báo lãi 21,8 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 39,2 tỷ đồng).

Sau khi trừ các chi phí và thuế, NCB báo lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng trong năm 2022. Con số này trong năm 2021 là 1.400 tỷ đồng.

 

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của NCB diễn ra hồi tháng 7/2021, bà Bùi Thị Thanh Hương đã được bầu làm chủ tịch HĐQT NCB thay ông Nguyễn Tiến Dũng.

Ban điều hành NCB sau đó cũng ghi nhận một loạt thay đổi với bà Dương Thị Lệ Hà làm quyền tổng giám đốc, trong khi bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang cùng được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc.

Kim Thương - Thảo Nguyên

Theo Kinh doanh và Phát triển