Lợi nhuận năm 2023 của Gỗ Trường Thành âm gần 270%, bị cưỡng chế thuế
Công ty Gỗ Trường Thành bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản gần 23 tỷ đồng vì nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá hạn 90 ngày theo quy định.
Cục Thuế tỉnh Bình Dương vừa công khai Quyết định Số: 1590 /QĐ-CTBDU về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng.
Đối tượng bị cưỡng chế thuế là Công ty CP tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF, địa chỉ tại đường ĐT474, khu phố 7, phường Uyên Hưng, Tp. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh nam Bình Dương.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng đã gửi Thông báo tiền nợ thuế số 26269/TB-CTBDU-KDT ngày 16/4, cho TTF với số tiền gần 23 tỷ đồng.
Lý do bị cưỡng chế là do người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
Cục Thuế tỉnh Bình Dương yêu cầu Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh nam Bình Dương trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của TTF.
Trong trường hợp nếu số tiền trên tài khoản của TTF nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Nam Bình Dương phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của người nộp thuế trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Hiệu lực của quyết định trên kể từ ngày 3/5/2024 đến ngày 1/6/2024.
Ngay sau khi bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cưỡng chế thuế, ngày 16/5, phía TTF cũng đã công bố thông tin phản hồi liên quan. Cụ thể, nội dung công bố thông tin Số 08/2024/TTF-CBTT cho biết: “Ngày 16/5/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành nhận được Quyết định của Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế số 1589/QĐ-CTBDU; 1590/QĐ-CTBDU; 1591/QĐ-CTBDU bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty với số tiền 22,97 tỷ đồng.
Khoản nợ trên liên quan đến các khoản nợ thuế phát sinh do ghi nhận nghĩa vụ nợ từ các công ty thành viên sáp nhập và kết luận thanh tra thuế cho giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2022 với tổng số tiền 141 tỷ. Công ty đã sử dụng khoản hoàn thuế 118,7 tỷ đồng để cấn trừ, và nghĩa vụ còn lại phải nộp là 22,97 tỷ đồng”.
TTF đã có công văn gửi cục thuế về kế hoạch phần phải nộp còn lại dựa trên nguồn vốn lưu động và kế hoạch hoàn thuế xuất khẩu.
Theo tìm hiểu, TTF được thành lập từ năm 1993 tại tỉnh Đắk Lắk. Doanh nghiệp này hiện là nhà sản xuất chuyên cung cấp, lắp đặt, thi công nội, ngoại thất.
Hiện nay, TTF gồm 9 công ty con trải dài từ Bình Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên chủ yếu hoạt động trong ngành nội thất, chế biến gỗ và trồng rừng. Ngoài ra, doanh nghiệp này có 4 liên doanh, liên kết tại Phú Yên, Tp.HCM, Bình Dương và Singapore.
Theo thống số được công bố từ báo cáo tài chính thường niên năm 2023 của TTF cho thấy doanh nghiệp này đang gặp không ít khó khăn về mặt tài chính.
Cụ thể, doanh thu TTF đã giảm hơn 22% so với năm 2022 từ con số hơn 2000 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.560 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp năm 2023 là âm 111,4 tỷ đồng, trong khi năm 2022 con số này chỉ là âm 0,08 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của TTF năm 2023 âm 144 tỷ đồng, thông số của năm 2022 là âm 1,23 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trong năm 2023 của TTF so với kế hoạch đề ra hết sức bi đát. Trong đó, theo kế hoạch lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 54 tỷ đồng nhưng trên thực tế lại âm hơn 144 tỷ đồng, mức chênh lệch âm 267% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế cũng âm tới 172% so với kế hoạch năm.
Giải thích cho bức tranh tài chính “xám xịt” này, TTF cho biết trong năm 2023, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc chiến Nga - Ucraina ngày càng khó lường, xung đột Israel - Hamas và khủng hoảng Biển Đỏ trong những tháng cuối năm làm gia tăng lạm phát và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam đối diện nhiều rủi ro và thách thức.
TTF tập trung thực hiện kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu do ĐHĐCĐ năm 2023 giao trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh, sự biến động kinh tế toàn cầu khiến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành sản xuất, chế biến gỗ. Nhiều doanh nghiệp gỗ phải đóng của, cắt giảm lao động...
Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 của TTF dù không đạt như kế hoạch nhưng có thể chấp nhận được trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế xã hội. Kết quả là một sự nỗ lực của Ban Tổng Giám đốc và toàn thể người lao động TTF.