Lợi thế so sánh của Việt Nam: FDI là người chơi chính

Vị thế trong chuỗi giá trị của Việt Nam sẽ được cải thiện khi năng lực của khu vực sản xuất trong nước được cải thiện

3 kịch bản tăng trưởng

Tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021, với chủ đề định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu sáng 29/7, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế, đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Các nhóm ngành lợi thế của Việt Nam giảm từ 9 nhóm xuống còn 6 nhóm  
Các nhóm ngành lợi thế của Việt Nam giảm từ 9 nhóm xuống còn 6 nhóm  
 

Theo đó, với kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất, dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3-2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2-2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1%.

Với kịch bản cơ sở này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ giảm từ 1-1,5% so với dự báo được VEPR đưa ra vào quý 1 năm nay, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt từ 6-6,3%.

Còn với kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8, việc tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý 1-2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 5,4-6,1%.

Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường trong quý 4-2021, quá trình tiêm chủng vắc xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế, khi đó tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt từ từ 3,5-4,0%.

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể khá cao chủ yếu nhờ xuất phát từ một nền tảng rất thấp của năm 2020.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế sẽ chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước. Hai động lực cho tăng trưởng chính theo PGS.TS Phạm Thế Anh sẽ vẫn đến từ xuất khẩu và đầu tư công.

Từ 9 nhóm ngành có lợi thế giảm còn 6 

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra nhiều phân tích cho thấy, dịch COVID-19 đang làm thay đổi khá lớn lợi thế so sánh của các nền kinh tế trong ngắn hạn.

Đề cập tới nội dung này, bà Thu cho rằng, phải nhìn rõ sự thay đổi về lợi thế để có ứng xử chính sách phù hợp.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2010 - 2019, Việt Nam có lợi thế so sánh trong 9/20 nhóm ngành. Tuy nhiên, năm 2020, chỉ còn lợi thế với 6 nhóm ngành, trong có 1 nhóm ngành có lợi thế so sánh cao là Giày dép, mũ; 3 nhóm ngành có lợi thế so sánh ở mức trung bình gồm Hàng dệt may; Máy móc, thiết bị điện tử và Da và sản phẩm da và 2 nhóm ngành có lợi thế so sánh ở mức thấp gồm Gỗ và sản phẩm gỗ và Nguyên liệu dệt may.

Trong cả giai đoạn, bức tranh lợi thế so sánh của Việt Nam có một số điểm nổi bật sau. Thứ nhất, lợi thế so sánh của Việt Nam với hầu hết các nhóm ngành đều giảm (7/9 ngành có lợi thế), ngay cả với nhóm ngành duy nhất Việt Nam có lợi thế so sánh cao là Giầy, dép, mũ.

Thứ hai, Việt Nam đang mất dần lợi thế so sánh với các sản phẩm nông nghiệp khi Việt Nam không còn lợi thế với cả nhóm sản phẩm động vật và thực vật trong năm 2020.

Thứ ba, duy nhất có một ngành có lợi thế so sánh tăng cao – đó là ngành điện tử - nhưng sự gia tăng lợi thế so sánh trong ngành này lại bắt nguồn từ sự hiện diện và mở rộng sản xuất, xuất khẩu, đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Thứ tư, các ngành Việt Nam không có lợi thế so sánh là các ngành liên quan nhiều đến nguyên vật liệu đầu vào như nhựa, cao su, máy móc cơ khí, kim loại, giấy hoặc các sản phẩm có giá trị và công nghệ cao như phương tiện thiết bị vận tải, thiết bị quang học, nhạc cụ và thiết bị y tế…

Bất lợi thế so sánh của Việt Nam trong những ngày này giúp giải thích một phần lý do về những phân khúc Việt Nam chủ yếu tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy, trong năm 2020, dù Việt Nam được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh tốt, có tốc độ tăng trưởng dương và có thành tích xuất khẩu ấn tượng, nhưng Việt Nam chưa thật sự tận dụng được những lợi thế này để đẩy mạnh hơn vị thế của mình trên thị trường thế giới.

Đáng nói, khi so sánh lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trên toàn cầu trong năm qua đều giảm mạnh, trừ nhóm ngành điện tử và giày dép. Đến năm 2020, Việt Nam mất lợi thế so sánh ở nhóm hàng nông nghiệp, gồm cả sản phẩm động vật và thực vật.

"Trong 6 nhóm ngành trên, chỉ có một ngành có tốc độ RCA tăng nhanh là điện tử thì sự gia tăng này lại phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.”, bà Thu phân tích.

Ngay trong tương quan với các nước ASEAN, tuy Việt Nam có thứ hạng RCA cao nhưng trên thực tế, khoảng cách về lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước đứng đầu ASEAN còn khá xa và đang ngày càng rộng ra.

FDI vẫn là người chơi chính

Mặc dù chỉ ra, lợi thế so sánh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử của Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhưng nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận còn nhiều lo ngại.

Từ năm 2012, ngành Điện tử đã vượt qua ngành Dệt may để trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong vòng 10 năm từ năm 2010 đến năm 2019, thứ hạng của Việt Nam trên thế giới xét về giá trị xuất khẩu ngành điện tử cũng liên tục tăng và vươn lên vị trí thứ 8 thế giới năm 2019. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (AAGR) của nhóm hàng Điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2010–2019 đạt mức 37%, vượt xa AAGR của nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng Điện tử đứng đầu thế giới.

Trong giai đoạn 2010-2020, nhóm hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam có giá trị RCA đứng thứ 3 thế giới, sau Đài Loan, Malaysia và có những bước tăng trưởng nhanh, đều qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về RCA mặt hàng Điện tử của Việt Nam đạt mức 14%/năm, cao hơn rất nhiều so với giá trị này của các nước khác trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng Điện tử trên thế giới.

Điện tử là nhóm hàng xuất khẩu duy nhất của Việt Nam có xu hướng RCA tăng nhanh qua các năm, ngược với xu hướng giảm chung về RCA của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác.

“So sánh 10 mặt hàng điện tử có giá trị RCA trung bình lớn nhất của Việt Nam với các quốc gia khác giai đoạn 2010-2020, thì các mặt hàng có lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam là điện thoại, micro và loa. Theo nhóm nghiên cứu, đây là nhóm ngành Việt Nam có dư địa đẩy mạnh lợi thế so sánh trong tương lai.

Nhưng khi xem xét mức độ chuyên môn hóa trong các sản phẩm, thì những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh cao lại có chỉ số phức tạp thấp. Những sản phẩm xuất khẩu lớn cũng là sản phẩm có chỉ số phức tạp thấp, có hàm lượng khoa học công nghệ thấp. Nếu có sự thay đổi chuỗi sản xuất, chúng ta dễ bị thay thế”, bà Thu khuyến cáo.

Đặc biệt, trong chuỗi giá trị ngành hàng điện tử của Việt Nam khi tham gia toàn cầu, nhóm nghiên cứu tiếp tục thấy rõ sự “lấn át”, thậm chí “bao trọn” của doanh nghiệp FDI khi chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020. Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp điện tử hiện nay rất thấp, chỉ 5-10%.

Trong giai đoạn 2010 - 2017, chỉ số vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu (GEVC) đều âm, chứng tỏ quốc gia đang nằm ở vị trí hạ nguồn của chuỗi, tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu.

Theo nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp FDI gần như là người chơi chính. Có nhiều lý do để giải thích.

Một là, doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn của chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hai là, doanh nghiệp toàn cầu thường có tập quán kinh doanh lựa chọn doanh nghiệp cung ứng quen thuộc hoặc cùng quốc tịch với họ...

“Nhưng, cũng nhờ vậy, Việt Nam đang thâm nhập rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử, đang là đầu mối lớn trong ngành này. Nhưng tới đây, việc thu hút FDI cần hướng tới vị thế thượng nguồn, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho Việt Nam”, bà Thu nói.

Ngành thực phầm còn nhiều tiềm năng phát triển

Đối với ngành thực phẩm, nghiên cứu cũng đánh giá ngành thực phẩm là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Ngành này luôn có số lượng doanh nghiệp lớn nhất, tạo ra việc làm lớn thứ tư (sau ngành dệt may, da giày và điện tử) và mang lợi lợi nhuận trước thuế lớn thứ hai (sau ngành điện tử) trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam.

Bên cạnh xu hướng về gia tăng số lượng doanh nghiệp và việc làm, ngành Thực phẩm Việt Nam đã có sự chuyển biến từ ngành nhập khẩu ròng sang ngành xuất khẩu ròng. Liên tục trong giai đoạn vừa qua, Thực phẩm luôn nằm trong những nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao nhất của Việt Nam (xếp thứ 11 từ năm 2015 đến nay).

Trong giai đoạn này, thứ hạng của Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu ngành thực phẩm liên tục tăng, từ thứ hạng 43 đã vươn lên xếp thứ 26 thế giới năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19, xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam giảm mạnh, hơn 18%. Với giá trị RCA nhỏ hơn 1, Việt Nam được đánh giá không có lợi thế so sánh về nhóm hàng Thực phẩm trong cả giai đoạn 2010 - 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá Việt Nam không có lợi thế trong cả nhóm hàng Thực phẩm, nhưng lại có lợi thế so sánh, thậm chí có lợi thế cao ở một số ngành hàng.

Theo thống kê, mười mặt hàng xuất khẩu ngành Thực phẩm có giá trị RCA cao nhất của Việt Nam dao động trong khoảng 1,5 và 11,1, trong đó mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh cao nhất là động vật giáp xác chế biến - đây cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ngành thực phẩm.

Dựa trên phân tích mạng lưới, có thể thấy rằng toạ độ của Việt Nam trong ngành hàng xuất khẩu thực phẩm còn tương đối cô độc, tách biệt, chưa thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu
ngành Thực phẩm.

Tương tự như ngành điện tử, các nhóm hàng có PCI thấp thì Việt Nam xuất khẩu nhiều (Động vật giáp xác chế biến) và các nhóm hàng có PCI cao thì Việt Nam xuất khẩu ít (mỡ lợn và gia cầm; mỡ và dầu động vật; dầu hạt cải, mù tạt; phế liệu sản xuất tinh bột). Đây là điểm Việt Nam cần cân nhắc để có thể nâng cao vị thế của mình trong nhóm ngành Thực phẩm trong tương lai.

“Vị thế trong chuỗi giá trị của Việt Nam sẽ được cải thiện khi năng lực của khu vực sản xuất trong nước được cải thiện. Điều đó cũng có nghĩa là, lợi thế so sánh của Việt Nam trong ngành này sẽ giảm nếu không có các chính sách phù hợp trước bối cảnh cạnh tranh quốc tế vô cùng khắc nghiệt”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Thái An

Theo Đất Việt