Lối thoát cho người mua và doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời khó
Thời gian qua, thông tin tiêu cực liên quan đến loạt thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ đang tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhạy cảm quá với các thông tin sẽ khiến nhà đầu tư càng lún sâu vào vòng xoáy rủi ro, thậm chí mất đi thành quả đầu tư dài hạn của mình.
Thị trường trái phiếu gần như “đóng băng”
Trong 3 năm 2018-2021, với sự "cởi trói" từ Nghị định 163, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất nóng và bước đầu trở thành một kênh dẫn vốn trung-dài hạn, song cùng với đó đã đưa tới nhiều rủi ro, nguy cơ.
Các vụ án liên quan tới thị trường trái phiếu gần đây đang khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng một tỷ lệ không nhỏ trái phiếu ở thời điểm hiện tại có chất lượng xấu, từ đó gây sức ép để doanh nghiệp phát hành thanh toán trước hạn.
Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 238.535 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xét từ đầu năm đến ngày 21/10, tổng giá trị trái phiếu được doanh nghiệp mua lại trước hạn là 142.458 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Bối cảnh này khiến một bộ phận thị trường vốn gián đoạn nghiêm trọng khi nền kinh tế đang rất khát vốn để phục hồi sau đại dịch, trong khi các kênh dẫn vốn chính yếu đều tắc.
Nhiều chuyên gia nhận định, kênh trái phiếu sụt giảm chủ yếu do nhà đầu tư thiếu niềm tin, chứ không phải doanh nghiệp hay nền kinh tế có vấn đề. Nếu vì tâm lý lo ngại mà nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi trái phiếu, thì dù doanh nghiệp đang rất khoẻ cũng trở thành yếu, thậm chí vỡ nợ vì bị trái chủ rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém đi hoặc dòng tiền yếu.
Dữ liệu thống kê cho thấy giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán trong quý IV/2022 và năm 2023 vào khoảng 60.000 tỷ đồng và 260.000 tỷ đồng (tương đương 3,81% GDP năm 2021). Lượng trái phiếu đến hạn này đang và sẽ tạo áp lực lớn tới thanh khoản thị trường trong bối cảnh năng lực tài chính của doanh nghiệp đang suy giảm và thực thi chính sách tiền tệ thận trọng và chắc chắn.
Nếu không chủ động quản lý hiệu quả thị trường thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan rủi ro sang khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lành mạnh, ảnh hưởng không tốt tới an ninh, an toàn tài chính quốc gia và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam chưa có vụ vỡ trái phiếu nào
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân, bộ phận đông đảo nắm giữ chứng chỉ quỹ mở trái phiếu đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn vừa qua bởi tác động từ loạt thương vụ phát hành riêng lẻ trên thị trường như nhóm Tân Hoàng Minh, An Đông (Vạn Thịnh Phát).
Tâm lý lo sợ cộng hưởng các tin đồn thất thiệt khiến nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng tốt chịu “vạ lây”. Kết quả là, các quỹ đầu tư dù không rót tiền vào các lô trái phiếu trên nhưng đã bị ảnh hưởng như đã thấy.
Người dân dễ dàng mua chứng chỉ quỹ trái phiếu thay vì chứng minh vai trò của một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi tham gia các đợt phát hành theo quy định hiện hành. Tuy vậy, nhà đầu tư cá nhân với số lượng đông đảo nhưng tâm lý dễ bị tác động thường tạo “hiệu ứng đám đông”.
Những gì đang xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phản ánh rõ nét xu hướng này. Làn sóng rút trước hạn trái phiếu ở nhiều doanh nghiệp lan sang các quỹ đầu tư, quỹ mở trái phiếu.
Trong một tọa đàm về thị trường trái phiếu gần đây, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi đánh giá, thị trường trái phiếu có sự phát triển mạnh trong hai năm gần đây. Dù sôi động như vậy, nhưng rủi ro không thể nói được vì không có tiêu chí, cơ sở đánh giá, mà dựa trên những quy định chặt chẽ, đòi hỏi nhiều thứ, nhà đầu tư nhìn vào không biết trông chờ vào đâu.
Chưa ai mất trên thị trường trái phiếu, nhưng thị trường đang sôi sục vì nhà đầu tư nghĩ mình bị lừa, thông tin chưa chính xác và chưa hiểu vấn đề. Đó là nguy cơ mà không chỉ là niềm tin từ thị trường mà còn do pháp lý không ổn, chưa có lộ trình bài bản, nên đến bây giờ Việt Nam phải chấp nhận xử lý rủi ro và tìm cách tháo gỡ.
Diễn biến thời gian qua cho thấy, có một cuộc khủng hoảng nhẹ về niềm tin trên thị trường trái phiếu. Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu đầu tư, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, một trong những nguyên nhân rất lớn của việc thiếu niềm tin là do chúng ta rất thiếu thông tin đến nhà đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam chưa có vụ vỡ trái phiếu nào, nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Thị trường vẫn có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu, nhưng nỗi sợ của thị trường là nỗi sợ chung. Do đó, nhóm nghiên cứu của Chứng khoán DSC đã đặt lại tất cả những trái phiếu đang có trên thị trường xem trái phiếu nào rủi ro, trái phiếu nào không có rủi ro, sau đó đưa ra những trái phiếu cần lưu ý để định hình rủi ro.
Giải pháp cho doanh nghiệp phát hành
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chuyên gia cho rằng, khó khăn trên thị trường TPDN xuất phát từ vấn đề bất cân xứng thông tin, vì vậy giải pháp đầu tiên cần thực hiện là minh bạch thông tin.
Theo đó, Bộ Tài chính cần đánh giá và phân loại các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong quý IV năm 2022 và 2023 dựa trên đánh giá triển vọng kinh doanh và khả năng trả nợ lãi trái phiếu đến hạn.
Đối với doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp tục theo dõi việc doanh nghiệp tự thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư.
Còn với các nhóm không có năng lực để thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu; có hành vi sản xuất kinh doanh gian dối trên thị trường, thì cơ quan quản lý nhà nước tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Riêng nhóm DN tạm thời bị hạn chế năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà đầu tư trái phiếu (chỉ hoàn trả được một phần trái phiếu đến hạn), nhưng trong trung hạn trở đi vẫn có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thì có thể cân nhắc để có biện pháp hỗ trợ.
Ngoài ra, chuyên gia khuyến nghị chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua trái phiếu của các doanh nghiệp này từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân theo phương án phát hành trái phiếu của SCIC, DATC và VAMC để hoán đổi cho nhà đầu tư và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cụ thể, trước mắt việc Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không.
Về lâu dài, Nhà nước có thể đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất là tham gia tái cấu trúc để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục. Thứ hai là kiểm soát được tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, tránh việc tẩu tán, thất thoát như nhiều người lo ngại.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Nhà nước sử dụng nguồn lực để hỗ trợ tạm thời, khi sản xuất kinh doanh phục hồi, thị trường tài chính ổn định trở lại, doanh nghiệp có thể phát hành mới hoặc sử dụng tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán cho SCIC, DATC, hay VAMC. Nhà nước không dùng nguồn lực để cứu riêng một doanh nghiệp nào, mà đang hỗ trợ thanh khoản để ổn định cho cả thị trường.
Cách bảo đảm quyền lợi người mua trái phiếu doanh nghiệp
Theo một vị luật sư tại TP.HCM cho biết, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định. Vì thế, đây là công cụ rất hữu hiệu của DN khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân…
Khi DN lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ sẽ đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán (nếu có). Tuy nhiên, dấu hiệu gian dối, lừa đảo sẽ thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác; các thông tin, cam kết không được DN thực hiện theo hồ sơ bán trái phiếu; DN khi huy động được vốn là bán trái phiếu, không sử dụng tiền vào mục đích như cam kết.
Các nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu, nếu mua theo lời mời chào của bên trung gian, rằng lãi suất trái phiếu sẽ ở mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm, đồng thời cũng có quyền mua bán lại trái phiếu đó trên thị trường, thì thường “ăn trái đắng”.
Vị Luật sư cho hay, tất cả các khoản đầu tư đều có rủi ro và trái phiếu không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng trái phiếu thì rủi ro lớn hơn, bởi lãi suất cao thì bao giờ cũng kèm theo rủi ro lớn.
Rủi ro đầu tiên sẽ đến từ quá trình cho vay DN dài lâu. Cho vay dài thì có thể rủi ro lạm phát; hoặc trái phiếu là hình thức cho vay, nếu DN làm ăn tốt thì không sao, nếu không làm ăn tốt, thậm chí phá sản thì khả năng thu hồi vốn là thấp, thậm chí là số 0.
Thứ hai là rủi ro về tính thanh khoản. Ví dụ nếu đầu tư vào đất, khi cần tiền chúng ta có thể bán, dù giá thấp hay huề vốn. Còn về tờ giấy trái phiếu, khi DN gặp khó khăn thì khó có thể bán được tờ giấy đó.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho NĐT, trước khi NĐT "trông giỏ bỏ thóc" cần nghiên cứu thông tin về DN; cần có công cụ khác để đánh giá chỉ số lành mạnh về thông số kinh tế tài chính DN; lưu ý DN nào được bảo lãnh thanh toán, chẳng hạn được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì khi DN phá sản, mất khả năng thanh khoản, ngân hàng sẽ thay thế nghĩa vụ của DN. Đây là rủi ro lớn nhất nhưng đã triệt tiêu thì chúng ta hoàn toàn yên tâm.
Ở góc độ quản lý nhà nước, cần yêu cầu DN phát hành trái phiếu phải có bảo lãnh của ngân hàng. Hiện nay, nhà nước có đề xuất nhưng không bắt buộc nên một số DN ngại các chi phí bảo lãnh, đây là nguồn cơn gây ra rủi ro lớn cho người dân. Đồng thời, cần tạo ra thị trường minh bạch hơn, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân tham gia vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro.
Những yếu tố phân tích trên đều đang ảnh hưởng đến quyết định nắm giữ chứng chỉ quỹ trái phiếu của nhà đầu tư. Song, hơn ai hết chính nhà đầu tư cần phải xét kỹ về tính hiệu quả khi ra quyết định trong bối cảnh này.