Sau khủng hoảng bancassurance, ngân hàng muốn tự bán bảo hiểm

Nhiều ngân hàng đã và đang tính chuyện thành lập, sở hữu các công ty bảo hiểm, bước vào cuộc chơi mới vừa nhiều cơ hội vừa lắm chông gai.

Ngân hàng muốn tự bán bảo hiểm

Nở rộ vào những năm 2017-2022, bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) từng là “gà đẻ trứng vàng” giúp các ngân hàng cải thiện lợi nhuận ngoài lãi.

Mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm từng được ví như cuộc hôn nhân đôi bên cùng có lợi. Ngân hàng có sẵn mạng lưới khách hàng trong khi các công ty bảo hiểm khát khao kênh phân phối mạnh để mở rộng thị phần.

Vì vậy, hàng loạt thương vụ ký kết độc quyền dài hạn (15-20 năm) giữa ngân hàng và các hãng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) được diễn ra.

Tuy nhiên, sau thời kỳ trăng mật, sóng gió nổi lên. Việc bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng dần lộ những mặt trái khi loạt thông tin "bị ép mua bảo hiểm", "tư vấn sai lệch" liên tục xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông, nhiều đơn tố giác được gửi đến báo chí và Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm.

Sau khủng hoảng của bancassurace, doanh thu phí từ bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng sụt giảm mạnh. Thị trường chứng kiến nhiều cuộc "chia tay" giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm.

Việc Techcombank và Manulife Việt Nam dừng hợp tác phân phối BHNT qua bancassurance từ ngày 14/10/2024 gây chú ý. Với việc chấm dứt sớm 8 năm hợp đồng có kỳ hạn 15 năm, Techcombank chấp nhận trả cho đối tác 1.800 tỷ đồng.

Năm 2023, Ngân hàng An Bình (ABBank) đã phải chi 240,4 tỷ đồng cho Bảo hiểm FWD, để chấm dứt hợp tác vào năm 2022, dù thời hạn đến năm 2031.

Thông tin với nhà đầu tư vào quý I/2025, đại diện VPBank khẳng định sẽ không gia hạn hợp đồng 15 năm với AIA, dự kiến kết thúc vào năm 2026.

Theo các chuyên gia, những cuộc chia tay giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm phản ánh sự thay đổi chiến lược sâu rộng trong ngành tài chính - bảo hiểm Việt Nam.

Sau khủng hoảng bancassurance, ngân hàng muốn tự bán bảo hiểm - Ảnh 1

Gần đây, thay vì ký các hợp tác độc quyền phân phối BHNT cho khách hàng để thu các khoản phí trả trước khổng lồ, nhiều nhà băng tìm hướng đi mới, muốn tự mình bán bảo hiểm để hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của mình.

Một số ngân hàng đã thông qua kế hoạch thành lập công ty BHNT trực thuộc hoặc công bố định hướng xây dựng doanh nghiệp bảo hiểm riêng. Trong khi đó, các ngân hàng đã có liên doanh bảo hiểm thì tìm cách gia tăng tỷ lệ sở hữu hoặc thúc đẩy các sáng kiến nội bộ nhằm mở rộng thị phần.

Điều này cho thấy “cuộc đua” trở thành các tập đoàn tài chính đa ngành của các nhà băng đang khá sôi động.

Mô hình ngân hàng trực tiếp sở hữu công ty BHNT và phi nhân thọ đang dần trở thành xu hướng.

Mới đây, HĐQT Techcombank công bố tiếp kế hoạch mở CTCP Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Theo đó, Techcombank sở hữu 80% vốn còn 20% còn lại dự kiến sẽ có sự tham gia từ các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup.

Cuối năm 2024, HĐQT Techcombank cũng thông qua phương án mua lại cổ phần để đưa CTCP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) trở thành công ty con. TCGIns có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Hay như VPBank, ngoài việc là đối tác độc quyền của BHNT AIA Việt Nam, tháng 11/2022, ngân hàng này đã hoàn tất thâu tóm Bảo hiểm OPES (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ) thông qua việc sở hữu 98% vốn điều lệ. VPBank cũng mới thông qua kế hoạch thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực BHNT với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng.

LPBank cũng chính thức tiếp nhận Bảo hiểm Xuân Thành từ tháng 2/2024 và đổi tên thành Bảo hiểm LPBank.

Các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank,… đều là cổ đông lớn của các công ty bảo hiểm.

Theo báo cáo thường niên năm 2023, Agribank là 1 trong 3 cổ đông lớn sở hữu hơn 52% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC).

Tương tự, BIDV là cổ đông lớn tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), đồng thời BIDV chung vốn với liên doanh để thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife. Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng được thành lập từ nguồn vốn của VietinBank.

MB hiện sở hữu 2 công ty bảo hiểm là Bảo hiểm Quân đội – MIC (bảo hiểm phi nhân thọ) và Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas. Hai công ty này đóng góp khoảng 20% lợi nhuận trước thuế mỗi năm vào lợi nhuận của MB.

Tiềm năng và thách thức

Giới phân tích nhìn nhận, mặc dù thị trường bảo hiểm đã qua thời "hoàng kim" nhưng việc hàng loạt chính sách sửa đổi gần đây sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững hơn.

Dư địa tăng trưởng thị trường bảo hiểm vẫn còn lớn nhưng tốc độ chậm hơn so với 10 năm qua và yêu cầu các tiêu chuẩn tuân thủ quy định cao hơn.

Theo phân tích từ Techcombank, thị trường BHNT tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Theo phân tích từ Techcombank, thị trường BHNT tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà hồi phục, thu nhập hộ gia đình tăng trưởng tốt... Tỷ lệ dân số đang được bảo vệ bởi hợp đồng BHNT là tương đối thấp với 1,2% tỷ lệ phí BHNT trên GDP và 12,44 triệu hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm 31/12/2023.

Bên cạnh đó, với những biến động của thị trường BHNT gần đây do những đứt gãy về cách phân phối và chất lượng tư vấn, thị trường mở ra cơ hội cho những công ty BHNT với định hướng số hoá trong tư vấn và dịch vụ sau bán hàng, đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, hiệu quả để tiếp tục phục vụ thế hệ khách hàng mới và mở rộng thị trường.

Việc các ngân hàng tham gia thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm không chỉ mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng nguồn thu ngoài tín dụng mà còn tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng.

Báo cáo từ HĐQT của Techcombank nhận định, cơ hội từ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đối với ngân hàng là gia tăng doanh thu từ phí bảo hiểm thông qua khai thác hiệu quả hơn tệp khách hàng tiềm năng. Việc này sẽ giúp ngân hàng có thể mang đến nhiều sản phẩm đa dạng, tạo lợi thế cạnh tranh nổi bật trên thị trường ngân hàng.

Về phía thị trường bảo hiểm, sự tham gia của các ngân hàng góp phần nâng cao tính cạnh tranh, cung cấp công nghệ hiện đại, giúp mở rộng mạng lưới và các đối tượng tham gia bảo hiểm.

Song cuộc chơi BHNT dù nhiều tiềm năng nhưng vẫn không ít thách thức bởi việc tự thân trên “sân” BHNT vẫn là một điều khá mới mẻ với các nhà băng.

Hơn nữa, cuộc cạnh tranh trên thị trường này rất khốc liệt, miếng bánh BHNT không còn dễ ăn. Hiện có hơn 20 công ty BHNT hoạt động tại Việt Nam, trong đó nhiều cái tên chiếm thị phần lớn như Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, AIA và MB Ageas…

Theo các chuyên gia, để đạt được thành công, các ngân hàng cần đặt sự minh bạch và quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, tránh lặp lại những sai lầm của mô hình bancassurance trong quá khứ.

Mô hình ngân hàng và bảo hiểm cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về hoạt động bảo hiểm và tổ chức tín dụng cũng như các quy định mà Bộ Tài chính và NHNN đã đặt ra.

Minh Dũng

Theo Vietnamfinance