Luật Đất đai 2024 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền: Người dân hưởng nhiều lợi ích
Luật Đất đai 2024 được bổ sung, sửa đổi nhiều điều khoản, trong đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính được chú trọng theo hướng có lợi cho người dân.
Luật Đất đai 2024 được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Trong đó, nổi bật là các nội dung: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đâng đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân. Luật Đất đai 2024 sẽ thực hiện bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không; Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Chia sẻ về việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trên báo Lao Động, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, hoàn thiện dự thảo ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành. Quá trình soạn thảo cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến, có văn bản còn được gửi lấy ý kiến bộ, ngành địa phương 2 lần.
Cũng theo bà Mỹ, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân.