'Lùi thời gian sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đến năm 2026 là quá muộn'
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho rằng việc lùi thời gian sửa Thuế Thu nhập cá nhân đến năm 2026 là quá muộn bởi ở thời điểm hiện tại, nhiều quy định của Luật đã trở nên lỗi thời và không theo kịp cuộc sống.
Như Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã đưa tin, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ.
Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).
Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có tính đến các bước đi phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế, nhờ đó đã động viên kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn các vấn đề của xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách thuế thu nhập cá nhân đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).
Được biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 (được sửa đổi, bổ sung 02 lần vào năm 2012 và năm 2014).
Từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này vẫn đang bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ.
Trong bối cảnh mức giảm trừ gia cảnh bị cho là vẫn chưa theo kịp cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng thời gian sửa đổi Luật Thuế TNCN như vậy là quá muộn. Vậy những sửa đổi như vậy liệu quá muộn. Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.
- Ông đánh giá như thế nào về việc trình Chính phủ thời gian sửa đổi những quy định này? Nhiều ý kiến cho rằng thời gian như vậy liệu quá muộn, thưa ông?
Có thể thấy, chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay có nhiều bất cập, chưa theo kịp mức sống của người dân và lạm phát. Trong đó, điển hình là hai bất cập của Luật thuế TNCN đang được quan tâm đó là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc và quy định về mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp thực tế. Việc duy trì mức thuế TNCN hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.
Vậy nên, việc sửa thuế TNCN là cần thiết trong thời điểm hiện tại và lùi tới năm 2026 mới sửa là quá muộn và không theo kịp cuộc sống.
Thực tế cho thấy trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng mạnh trong 2 năm qua, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc vẫn chưa được điều chỉnh là điều rất bất hợp lý. Hơn nữa, trong hai năm dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất nhưng người làm công ăn lương vẫn bị bỏ rơi.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc quy định tại Luật thuế TNCN là 4,4 triệu đồng/người/tháng đã quá lạc hậu trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng cao thời gian qua. Trong thực tế, từ năm 2020 đến nay, giá cả đã tăng rất nhiều và mức 11 triệu đồng/tháng không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Mức 4,4 triệu đồng/tháng cũng không đủ để nuôi con nhỏ khi giá cả tăng vùn vụt hiện nay.
Vậy nên, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính nên trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để đưa ra những biện pháp kịp thời chẳng hạn như: Cho nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay từ đầu năm 2023 lên 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 10 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hay giảm 50% thuế TNCN năm 2022 cho người làm công ăn lương.
- Theo quan điểm của ông thì không chỉ riêng mức giảm trừ gia cảnh mà các quy định thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã bộc lộ những nhiều hạn chế, bất cập?
Đúng là như vậy, đúng là Luật Thuế TNCN hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, những điểm bất cập chính của Thuế thu nhập cá nhân hiện nay gồm:
Thứ nhất, nhu cầu chi tiêu và nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng lên khiến người lao động phải tìm thêm nguồn thu nhập để bù đắp, nhưng đầu thu nhập để giảm trừ gia cảnh vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, nhu cầu sinh hoạt của người dân lớn hơn so với khi Luật Thuế TNCN được ban hành. Bởi vì cuộc sống của con người hiện đại đã gia tăng nhiều nguồn tiêu dùng, các mặt hàng khác nhau và dịch vụ cũng tăng cao.
Thứ hai, nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của người nộp thuế. Luật thuế TNCN hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể đối với người nộp thuế tự do như: dạy học; bác sĩ khám, chữa bệnh ngoài giờ; môi giới,… Cơ quan thuế chưa quản lý hết tất cả các ngành nghề. Đặc biệt, trong trường hợp thu nhập không phải là tiền lương từ các hoạt động trước đây thì phải ghi rõ điều này để tính tổng thu nhập và từ đó xác định thuế suất thu nhập phải nộp. Tuy nhiên, trên thực tế, những người này chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật đăng ký, cụ thể là chưa tự giác kê khai, nộp thuế thu nhập dẫn đến thất thu thuế.
Thứ ba, một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Thuế TNCN là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà, gây khó hiểu cho người dân. Theo đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: (1) Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; (2) mức 5-10 triệu đồng là 10%; (3) mức 10-18 triệu đồng là 15%; (4) mức 18-32 triệu đồng là 20%; (5) mức 32-52 triệu đồng là 25%; (6) mức 52-80 triệu đồng là 30% và (7) từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Việc quy định biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa thực sự hợp lý, dẫn đến nhiều vướng mắc. Theo đó, biểu thuế này nhiều hơn so với các nước trên thế giới, đồng thời mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp. Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc Việt Nam. Nếu quy định quá nhiều nhóm chịu thuế sẽ làm công tác quản lý phức tạp và tạo “kẽ hở” cho việc trốn thuế.
- Các nước trên thế giới quy định vấn đề này như thế nào? Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?
Pháp luật về thuế TNCN ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ… cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm: chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức...
Đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng về thuế. Trong khi tại Việt Nam, do công tác thống kê và quản lý thu nhập chưa hoàn thiện nên pháp luật tính chung mức giảm trừ gia cảnh của mọi người cố định như nhau – một con số cố định cho mọi người cư trú ở các vùng miền khác nhau với chi phí sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.
Vì thế, Luật Thuế TNCN nên chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan thu nhập tính thuế. Cụ thể, quy định hạn mức chi tiêu được khấu trừ và yêu cầu cá nhân cung cấp chứng từ hợp pháp. Trong đó, nên xem xét cho khấu trừ một số khoản mục chi phí tiền thuê nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo; tiền đào tạo nghiệp vụ của bản thân và tiền học của con cái (yêu cầu chứng chỉ); tiền lãi vay mua nhà ở duy nhất và một phương tiện đi lại; viện phí và chi phí chữa bệnh hiểm nghèo đối với bản thân, vợ/chồng và người phụ thuộc.
Ngoài ra, các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Đương nhiên, việc anh có thu nhập “khủng”, tiền nhiều thì cũng phải đóng góp trách nhiệm cho xã hội bằng cách nộp thuế nhưng đừng nên nghĩ rằng, cứ thấy ai giàu là “đè ra” thu thuế.
Theo đó, có thể cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động là chuyên gia có trình độ tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ, một chuyên gia nước ngoài đi làm với cùng điều kiện lao động và cùng mức thu nhập 10.000 USD tại Việt Nam và ở Singapore nhưng tại Singapore thuế TNCN chỉ mức 22% thì họ sẽ lựa chọn Singapore thay vì Việt Nam với mức 35%. Mặt khác, hiện nay cũng có tình trạng chuyên gia nước ngoài được trả thu nhập hai nơi là Việt Nam và nước ngoài. Như vậy, nếu chúng ta giảm mức thuế suất TNCN xuống thấp hơn các nước trong khu vực thì người lao động sẽ có xu hướng chuyển thu nhập về Việt Nam.
Vậy nên, cơ quan soạn thảo cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người dân lao động sáng tạo.
- Dưới góc nhìn của ông, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta nên sửa đổi những quy định này như thế nào?
Thứ nhất, quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người làm công ăn lương. Thực tế, số thu thuế thu nhập cá nhân đóng góp rất lớn, bằng khoảng 10% tổng thu ngân sách. Luật nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch có như vậy mới khuyến khích được những người lao động có tài năng, đồng thời cũng giảm được hiện tượng khai man thu nhập, hiện tượng gian lận thuế.
Cụ thể, nên bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%.
Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 5 - 10 triệu đồng, 10% áp dụng cho phần thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng, còn 20% áp dụng cho thu nhập từ trên 30 - 60 triệu đồng, thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên mới áp dụng mức 30%.
Thứ hai, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức cao hơn 11 triệu đồng/tháng như hiện nay.
Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh từ mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức cao hơn do hiện nay vật giá tăng quá nhanh nên mức 11 triệu đồng/tháng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay nữa mà cần quy định mức mới cao hơn. Song song đó, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên tương ứng bằng 40% mức giảm trừ của người lao động.
Để đưa ra được các con số này là bao nhiêu cần các cơ quan nhà nước xem xét và tính toán kỹ lưỡng vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan. Do mỗi năm tình hình vật giá và mức sống của người dân lại có những thay đổi, nếu con số này tăng ít quá sẽ dẫn đến tình trạng phải thay đổi hàng năm, gây nên những bất cập. Còn để dự trù được con số chính xác cho cả một thời gian dài thì đó là bài toán không hề đơn giản, cần các cơ quan chuyên môn vào cuộc.
Thứ ba, mức giảm trừ gia cảnh ở đô thị phải cao hơn.
Điểm bất cập cơ bản trong sắc thuế thu nhập cá nhân là thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) còn quá dài. Chuẩn nghèo gần đây đã được điều chỉnh tăng gấp đôi so với trước, mức giảm trừ gia cảnh dù đã điều chỉnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng thì vẫn quá thấp so với mức chi tiêu thực tế tại các đô thị như Hà Nội, TP. HCM (vật giá cao khác xa nông thôn).
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh của lao động ở Hà Nội, TP. HCM nên cao hơn so với mức giảm trừ của lao động ở khu vực khác (chủ yếu là các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa).
Một bất cập khác là trong khi người đi làm công ăn lương đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân với mức cao nhất lên đến 35% thì với những cá nhân có thu nhập "khủng" từ các mạng xã hội như Facebook, YouTube... chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 2%.
Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống thu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Và cần áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tin học, công nghệ mạng vào công việc quản lý thu thuế sẽ giúp quản lý một cách chính xác, nhanh gọn, rút ngắn thủ tục, đơn giản hóa mà lại đạt được hiểu quả cao.
- Trân trọng cảm ơn ông!