Lũy kế năm 2020: Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 60 tỷ USD

Theo số liệu từ tổng cục thống kê, năm 2020 vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đạt gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới. Trong khi đó lũy kế tính đến năm 2020, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 60 tỷ USD.

 

Lũy kế năm 2020: Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 60 tỷ USD - Ảnh 1

Năm 2020 đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với nguồn vốn FDI thì trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ với tổng vốn đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.

Lũy kế năm 2020: Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 60 tỷ USD - Ảnh 2

Số liệu cho thấy, kinh doanh bất động sản vẫn giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm). Năm 2020 ngành kinh doanh BĐS đã đóng góp 4,42% GDP (giảm 0,5% so với năm 2019). Đồng thời lũy kế đến năm 2020, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đạt 60 tỷ USD (chiếm khoảng 15,5% tổng vốn FDI đăng ký).

Như vậy, trong quý 3/2020 mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của COVID đợt 2 và tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý 2/2020. Đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê – Bộ KH-ĐT, nguồn vốn tín dụng vào thị trường BĐS tính đến hết quý II/2020 tăng khoảng 16%  so với cuối năm 2019. Cụ thể. tổng dư nợ tín dụng BĐS (gồm cả cho vay xây và mua nhà ở) đạt 1,6 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế (không kể cho vay xây dựng); trong đó, cho vay nhà ở chiếm 63% (1 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng KD BĐS chiếm khoảng 37% đạt 606.250 tỷ đồng).

Lũy kế năm 2020: Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 60 tỷ USD - Ảnh 3

Đối với vốn tư nhân, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 6.994 doanh nghiệp (giảm 15,5%). Trong đó vốn đăng ký 967.000 tỷ đồng (tăng 74%); tạo 43.000 việc làm (giảm 15%), ngoài ra có 1.117 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 31%) và 1.325 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 121,6% so với cùng kỳ 2019).

Về tình hình phát hành trái phiếu trong năm 2020: toàn thị trường phát hành 403,5 ngàn tỷ VND. Trong đó doanh nghiệp BĐS phát hành khoảng 101.000 tỷ VND (chiếm khoảng 25%). Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), huy động từ thị trường cổ phiếu không đáng kể (99 doanh nghiệp BĐS niêm yết, vốn hóa 921.000 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng vốn hóa thị trường).

Đánh giá về bức tranh tổng quan tình hình đầu tư bất động sản tại Việt Nam thời gian vừa qua, TS. Sử Ngọc Khương cho biết, đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Mặc dù vậy, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn. Thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn.

“Chúng tôi hy vọng rằng sau khi dịch đi qua, cộng với những chính sách rất kịp thời và phù hợp của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và sớm có nhiều thành quả tốt đẹp”, TS. Sử Ngọc Khương cho biết.

Cao Lãng

Theo Kinh doanh và phát triển