Mang tiền đổ vào cổ phiếu TCB và GEX, Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội chuyển từ lãi sang lỗ sau soát xét
Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội ghi nhận giảm mạnh hoạt động cho vay margin trong 6 tháng đầu năm 2022, thay vào đó quyết định đổ thêm tiền đánh mạnh vào 2 cổ phiếu TCB và GEX.
Những phiên gần đây “chứng trường” lại nổi sóng với cổ phiếu SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội được nhắc đến ở khắp nơi, trên các diễn đàn chứng khoán, trên các website và trong cả các cuộc nói chuyện của chứng sĩ.
Nguyên nhân bắt đầu từ việc Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 từ việc đang lãi hơn 27 tỷ đồng sau thuế đến việc lỗ hơn 68 tỷ đồng. Cùng với đó, cổ phiếu SHS bị Sở GDCK Hà Nội thông báo cắt margin do lợi nhuận bán niên 2022 trên BCTC soát xét của công ty là số âm.
Sự việc dẫn tới đảo chiều trên BCTc của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội bắt nguồn từ việc tự doanh kinh doanh thua lỗ. BCTC soát xét bán niên ghi nhận khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ là hơn 360 tỷ đồng (tăng 320 tỷ đồng so với cùng kỳ). Trong khi đó số liệu trên BCTC quý 2/2022 công ty tự lập ghi nhận lỗ các tài sản tài chinh ghi nhận thông qua lãi/lỗ chỉ hơn 29 tỷ đồng – tương ứng điều chỉnh tăng lỗ thêm hơn 330 tỷ đồng. Trong tiểu mục này, Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội ghi rõ lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL gần 146 tỷ đồng và chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL gần 214 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết tổng giá trị tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ tính đến 30/6/2022 đã đánh giá lại đạt gần 4.000 tỷ đồng, tương ứng “tạm lỗ” khoảng 100 tỷ đồng.
Riêng giá trị đầu tư vào cổ phiếu niêm yết đã 1.254 tỷ đồng theo giá mua, và giá thị trường khoản này còn 1.138 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ hơn 116 tỷ đồng. Danh mục các cổ phiếu niêm yết mà Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đầu tư gồm có TCB, PET, GEX, PMC và các cổ phiếu khác. Danh mục cổ phiếu giao dịch trên Upcom mà Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đầu tư gồm SIP, ACG, KTL và các cổ phiếu khác. Ngoài ra còn các cổ phiếu đã huỷ niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết.
(Ảnh: Danh mục các khoản đầu tư tài chính ghi nhận trên BCTC soát xét bán niên 2022)
Danh mục đầu tư của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội tập trung lớn nhất vào 2 mã chứng khoán TCB của Techcombank và GEX của Tập đoàn Gelex. Đây cũng là 2 mã chứng khoán mang lại khoản “lỗ” lớn nhất của công ty, lần lượt là 69 tỷ đồng và 87 tỷ đồng.
Nếu tính diễn biến giá cổ phiếu TCB, từ vùng giá quanh quanh 50.000 đồng/cổ phiếu đầu năm 2022 đã “lao dốc” về vùng giá 37.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6/2022. Mà việc “lao dốc” này lại khiến Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đưa tay “bắt dao rơi” đổ thêm tiền bình quân giá, khiến khoản lỗ càng thêm lớn.
Cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex cũng lao dốc từ vùng giá 45.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu năm 2022 về quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng giảm hơn một nửa. Tuy vậy với GEX, trong kỳ Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đã “cắt lỗ” bớt, giảm tỷ trọng đầu từ từ 284 tỷ đồng đầu năm xuống còn 243 tỷ đồng tính đến 30/6/2022.
Số liệu sau soát xét ghi nhận khoản đầu tư vào cổ phiếu TCB và GEX đều lỗ lớn, trong khi đó báo cáo tài chính quý 2/2022 công ty tự lập ghi nhận khoản đầu tư vào GEX tạm lỗ hơn 18 tỷ đồng và khoản đầu tư vào TCB thậm chí tạm lãi gần 4 tỷ đồng. SHS lý giải nguyên nhân của sự chênh lệch này là do công ty để một phần khoản đầu tư vào cổ phiếu TCB và GEX vào mục tài sản AFS - tài sản sẵn sàng để bán.
(Ảnh: Danh mục các loại tài chính ghi nhận trên BCTC quý 2/2022 do công ty tự lập)
Các khoản lỗ tự doanh của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội còn đến từ việc đầu tư cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG. Trong kỳ công ty không đổ thêm tiền vào khoản đầu tư này, tuy nhiên việc cổ phiếu SIP có đà giảm mạnh từ vùng giá 140.000 đồng/cổ phiếu đầu năm về mức xấp xỉ 100.000 đồng/cổ phiếu đã “thổi bay” hơn 18 tỷ đồng giá trị đầu tư của Chứng khoán SHS.
Thậm chí trong kỳ Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội còn gia tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu TCB từ 403 tỷ đồng đầu năm lên 743 tỷ đồng – tương ứng đổ thêm 340 tỷ đồng vào cổ phiếu TCB trong 6 tháng đầu năm. Cùng với việc gia tăng đầu tư vào TCB , công ty giảm tỷ trong đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết khác không liệt kê vào danh sách, với tổng tiền giảm gần 543 tỷ đồng.
Bị cắt margin từ 23/8/2022 do kinh doanh thua lỗ trong 6 tháng đầu năm đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, kéo giá cổ phiếu SHS “rơi” mấy phiên, tổng lượng giao dịch trên thị trường tăng đột biến, trong đó phiên ngày 22/8 – ngay trước ngày bị siết margin – đã tăng mạnh hơn gấp 3 lần, lên trên 35 triệu cổ phiếu.
Dành tiền đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay margin và hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán của công ty cũng giảm mạnh so với thời điểm đầu năm, từ số dư 4.862 tỷ đồng đầu năm xuống còn 2.631 tỷ đồng tính đến 30/6/2022 – tương ứng giảm hơn 2.200 tỷ đồng.
Các khoản vay nợ của Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội tập trung chính vào vay trái phiếu với tổng 1.260 tỷ đồng tính đến 30/6/2022, trong đó vay ngắn hạn 600 tỷ đồng còn lại là vay dài hạn.