CEO SHS: 'Luôn đặt niềm tin vào TTCK trong trung và dài hạn'

CEO SHS đánh giá cao những hành động kịp thời, quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK), đồng thời cho rằng những bài học rút ra sẽ tạo cơ hội cho thị trường phát triển bền vững trong dài hạn. “Về triển vọng TTCK, tôi vẫn luôn có niềm tin về sự tích cực trong trung và dài hạn”, CEO SHS bày tỏ.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS

Chia sẻ góc nhìn với VietnamFinance về những biến cố trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc (CEO) Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhấn mạnh quá trình tăng trưởng nào cũng có tính 2 mặt, việc thị trường phát triển bùng nổ nhanh chóng trong thời gian qua tất yếu sẽ bộc lộ những vấn đề phát sinh không mong muốn cần phải giải quyết liên quan đến các hoạt động thao túng giá cổ phiếu, phát hành trái phiếu chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật...

- Việc TTCK lao dốc trong thời gian qua khiến rất nhiều nhà đầu tư chán nản, nhất là lớp nhà đầu tư mới. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, TTCK không tránh khỏi những đợt biến động lớn. Theo ông, nhà đầu tư nên quản trị vốn như thế nào trong giai đoạn này? Quản trị vốn đóng vai trò như thế nào trong đầu tư chứng khoán, thưa ông?

CEO SHS Vũ Đức Tiến: VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6/2022 giảm 20,07% so với cuối năm 2021, khiến cho nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại và chán nản. Tuy nhiên với tôi và nhiều người đã tham gia thị trường kể từ những ngày đầu thì qua 22 năm kể từ khi hình thành, TTCK Việt Nam đã có rất nhiều lần trải qua những đợt giảm điểm mạnh (từ 20% trở lên kể từ đỉnh gần nhất), có thể kể tới các đợt giảm vào những năm 2006, 2007-2008 (khủng hoảng tài chính), 2009, 2011 (lạm phát tăng cao), 2014 (sự kiện Biển Đông), 2018 (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) hay gần đây nhất là năm 2020 (đại dịch Covid-19).

Nhìn lại sau mỗi đợt giảm điểm, thị trường thường sẽ có xu hướng tích lũy và sẽ tăng trở lại sau đó, vì vậy có thể thấy những đợt giảm điểm là một phần tất yếu trong quá trình phát triển và đi lên của bất kỳ thị trường chứng khoán nào. Dù vậy, không phải nhà đầu tư nào cũng trụ lại được với thị trường qua những đợt giảm điểm do thua lỗ. Nói như vậy để thấy rằng nếu coi việc đầu tư trên thị trường là một nghề nghiêm túc thì bất kỳ nhà đầu tư nào dù đã có kinh nghiệm hay mới tham gia cũng phải đề cao việc quản trị vốn hay ở đây là quản trị danh mục đầu tư.

Nếu quản trị tốt danh mục của mình thì nhà đầu tư có thể hạn chế thua lỗ, vượt qua được các giai đoạn điều chỉnh của thị trường để sau đó tận dụng được các giai đoạn tăng trưởng. Muốn vậy nhà đầu tư cần phải:

Thứ nhất, lựa chọn được cổ phiếu để đầu tư (nếu theo phương pháp cơ bản thì thông qua việc đánh giá top - down, nghĩa là phải xác định được chu kỳ kinh tế, các ngành sẽ có triển vọng, các doanh nghiệp trong ngành đó có nền tảng tài chính tốt, quản trị doanh nghiệp minh bạch, tận dụng được các cơ hội phát triển của ngành và sau đó phải xác định được giá trị của doanh nghiệp).

Thứ hai, nhận diện được xu hướng thị trường để có các hành động phù hợp.

Thứ ba, xây dựng nguyên tắc và tuân thủ kỷ luật trong đầu tư, tránh để các yếu tố tâm lý chi phối. Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên rà soát lại hiện trạng danh mục của mình theo hướng duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải (khoảng 50%), hạn chế sử dụng đòn bẩy, kiên quyết loại bỏ các mã cổ phiếu yếu kém và có triển vọng không tốt để chuyển sang các cổ phiếu có triển vọng tích cực và giá đã giảm về vùng hấp dẫn.

Thứ tư, tôi luôn muốn nhấn mạnh với nhà đầu tư là phải quan tâm tìm hiểu về hoạt động quản trị, yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, nhất là về quản trị điều hành minh bạch và nhân tố con người (chủ sở hữu, quản trị nhân lực).

- Những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc lành mạnh hóa TTCK là rất cần thiết trên bước đường dài phát triển, tuy nhiên trong ngắn hạn có vẻ như đã có những tác động nhất định đến tâm lý của các bên tham gia thị trường. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Đâu là cơ sở để ông tin rằng TTCK sẽ đi lên trong trung và dài hạn?

Quá trình tăng trưởng nào cũng có tính 2 mặt, việc thị trường phát triển bùng nổ nhanh chóng trong thời gian qua tất yếu sẽ bộc lộ những vấn đề phát sinh không mong muốn cần phải giải quyết liên quan đến các hoạt động thao túng giá cổ phiếu, phát hành trái phiếu chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật... Về góc độ pháp lý, các hành vi đó đã có trong các quy phạm pháp luật nhưng khi thị trường phát triển bùng nổ trong thời gian ngắn thì các hành vi vi phạm đó vẫn diễn ra và chúng ta nên nhìn nhận đó là những sự cố sẽ phải có trên tiến trình phát triển, các hành vi như vậy vẫn xảy ra kể cả ở các thị trường vốn phát triển hơn như Mỹ, châu Âu...

Nhìn ở góc độ tích cực hơn, những sự cố đó giúp cho chúng ta rút ra được những bài học và kiện toàn hơn khung pháp lý cũng như quy trình giám sát để phòng ngừa tái diễn trong tương lai. Tôi cũng đánh giá rất cao những hành động kịp thời, quyết liệt của các cơ quan chức năng trong thời gian qua giúp cho thị trường nhanh chóng ổn định trở lại, niềm tin của các chủ thể tham gia vào thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư vẫn được giữ nguyên vẹn và ngày càng tăng thêm theo thời gian, những hành vi tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường trong ngắn hạn nhưng những bài học rút ra lại tạo cơ hội cho thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.

Về triển vọng TTCK, tôi vẫn luôn có niềm tin về sự tích cực trong trung và dài hạn dựa trên những cơ sở sau:

Về vĩ mô, sau đại dịch, kinh tế Việt Nam đang hồi phục nhanh trở lại và nhiều dự báo cho thấy khả năng sẽ vượt chỉ tiêu 6,5% trong năm 2022 trong bối cảnh nhiều quốc gia khác đang đứng trước rủi ro suy thoái. Trong kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng trung bình từ 6,5%-7% mỗi năm, là mức tăng trưởng khá cao trên thế giới. Đối với thị trường vốn, Nghị quyết 86 được Chính phủ ban hành mới đây cũng đã đưa ra mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ tăng từ mức 75% GDP lên 100% GDP vào năm 2025 và dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng từ 14,2% như hiện nay lên 20% GDP năm 2025.

Các cơ quan quản lý cũng đang gấp rút hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) mới để tạo cơ sở triển khai các sản phẩm mới như bán chứng khoán chờ về hay giao dịch trong ngày, cho phép giao dịch mà không cần ký quỹ 100% như hiện nay… cũng như nhiều giải pháp khác để sớm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, qua đó thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn nước ngoài, phục vụ cho quá trình phát triển chung của nền kinh tế.

CEO SHS: 'Luôn đặt niềm tin vào TTCK trong trung và dài hạn' - Ảnh 1

- Để nhà đầu tư đồng hành lâu dài với thị trường, theo ông, các trung gian tài chính như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… nên làm gì? Về phía cơ quan quản lý, ông có kiến nghị gì liên quan đến chính sách để phát triển TTCK bền vững, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả?

Theo tôi, để các nhà đầu tư gắn bó lâu dài với thị trường, với vai trò là các thành viên thị trường, các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… một mặt cần phải luôn tuân thủ các quy định pháp luật và quy chế hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán, công bố thông tin minh bạch, kịp thời, mặt khác cần liên tục đổi mới trong hoạt động để nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư, từ đó kịp thời xây dựng ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp, đồng hành cùng với nhà đầu tư thông qua hoạt động như tư vấn chuyên nghiệp, hội thảo, đào tạo để góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhà đầu tư về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Với phía các cơ quan quản lý, tôi xin phép có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục hoạt động thanh tra, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai trái, cũng cần hỗ trợ hơn nữa về các quy trình thủ tục, hồ sơ để giúp cho các doanh nghiệp làm ăn chính đáng sớm đẩy nhanh hoạt động phát hành cổ phần, trái phiếu để từ đó có được nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trong hội nghị phát triển thị trường vốn vừa qua.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống công nghệ thông tin mới, từ đó hỗ trợ cho việc triển khai các sản phẩm mới trên thị trường như giao dịch T+0, xem xét bỏ quy định ký quỹ 100% trước khi đặt lệnh mua chứng khoán.

Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để gia tăng thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán.

Thứ tư, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xử lý các điểm nghẽn mà các tổ chức xếp hạng như FTSE, MSCI đã chỉ ra nhằm sớm nâng hạng thị trường trong thời gian tới.

Thứ năm, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư vào TTCK Việt Nam tại các thị trường nước ngoài, qua đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin về thị trường và doanh nghiệp.

- Ông nhìn nhận như thế nào về cuộc đua thị phần môi giới trong những năm qua? SHS có dự định đẩy mạnh mảng môi giới trong thời gian tới không? Yếu tố công nghệ đóng vai trò như thế nào trong cuộc đua này, thưa ông?

Cùng với sự phát triển của TTCK Việt Nam, cuộc đua thị phần môi giới những năm vừa qua diễn ra rất gay gắt, trước đó là giữa các công ty chứng khoán nội với các công ty có dòng vốn giá rẻ, sau đó là hạ giá, phí thậm chí về 0 đồng để thu hút nhà đầu tư và gần đây là làn sóng ứng dụng nền tảng công nghệ để tiếp cận và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng. Việc cạnh tranh này một phần giúp cho nhà đầu tư có thể tiếp cận được các dịch vụ chất lượng với chi phí thấp hơn nhưng mặt khác cũng tạo áp lực đối với các công ty chứng khoán trong việc phải luôn thay đổi để có thể nắm bắt và đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường và nhà đầu tư.

Đối với SHS, môi giới được xác định là một trong những mảng hoạt động cốt lõi bên cạnh mảng tự doanh và ngân hàng đầu tư (IB). Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt tới cho nhà đầu tư, nâng cao chất lượng tư vấn của đội ngũ cán bộ môi giới, SHS cũng đã nhận thấy xu hướng ứng dụng công nghệ và chúng tôi cũng đang triển khai một cách toàn diện các giải pháp công nghệ như nâng cấp khả năng xử lý của hệ thống, xây dựng các phần mềm sử dụng trong quản trị và sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt các ứng dụng với giao diện và các tính năng hoàn toàn mới nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên các nền tảng di động. Bên cạnh đó, dự kiến trong 6 tháng cuối năm chúng tôi cũng sẽ triển khai cung cấp sản phẩm phái sinh.

- Hiện nay, có một làn sóng mua lại công ty chứng khoán với bên mua là ngân hàng, fintech. Ông có nhận định thế nào về xu hướng này? SHS có dự định tích hợp dịch vụ chứng khoán vào nền tảng số nào hay không, chẳng hạn như ngân hàng số SHB?

Trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính diễn ra khá mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Thông qua quá trình này, ngày càng có nhiều người chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các dịch vụ đa dạng trên các nền tảng số của hệ thống ngân hàng. Khách hàng của ngân hàng giờ đây không chỉ vay nợ, thanh toán mà còn có nhu cầu về quản lý tài sản cá nhân. Vì thế việc tích hợp dịch vụ chứng khoán vào các hệ sinh thái số của ngân hàng sẽ giúp cho các khách hàng phân bổ một phần tài sản sang các kênh đầu tư khác ngoài việc gửi tiền hay mua bảo hiểm.

Về phía công ty chứng khoán, lợi ích là sẽ tiếp cận được với số lượng lớn khách hàng của ngân hàng để cung ứng các dịch vụ chứng khoán. Đây là xu hướng tất yếu và tất cả là vì lợi ích của khách hàng.

Với SHS, đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa qua đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 và Chủ tịch HĐQT là anh Đỗ Quang Vinh, hiện đang là Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc đồng thời phụ trách khối CNTT và khối Chuyển đổi số của ngân hàng SHB. Ngoài ra trong các thành viên HĐQT mới của SHS cũng có anh Lưu Danh Đức, Giám đốc Ban CNTT của Tập đoàn T&T là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. Với những thay đổi nói trên, SHS quyết tâm tham gia vào quá trình chuyển đối số của SHB và chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với ngân hàng SHB để triển khai việc này một cách nhanh nhất.

Tùng Lâm (thực hiện)

Theo VietnamFinance