Masan chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần Phúc Long

Hai bên sẽ cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.

Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông báo mua lại 20% vốn Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam, với giá 15 triệu USD.

Điều này đồng nghĩa Masan định giá công ty này 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.730 tỷ đồng.

Masan chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần Phúc Long - Ảnh 1
Masan mua lại 20% cổ phần Phúc Long với giá 15 triệu USD.

Trong khuôn khổ thỏa thuận, hai bên sẽ cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Theo Masan, hiện nay tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tích là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm bao gồm các thương hiệu lớn như: Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).

Với tiềm năng dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, Masan cùng Phúc Long kỳ vọng chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.

Trao đổi trên báo chí, lãnh đạo Masan cho biết đã thử nghiệm mở 4 Kiosk Phúc Long trong các cửa hàng VinMart+ tại TP Thủ Đức. Hai bên tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng tiếp theo.

Theo thỏa thuận hợp tác, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này sẽ góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4,0% so với mức hiện tại.

Doanh thu năm 2019 của Phúc Long là 779 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2018. Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu cũng liên tục ghi nhận mức tăng cao, lần lượt 39% và 25% (2018 và 2017).

Những năm gần đây, các cửa hàng trà và cà phê mở cửa (và cũng đóng cửa) liên tục tại các tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, từ các thương hiệu toàn cầu, các chuỗi trong khu vực châu Á, Đông Nam Á, cho đến các thương hiệu nội địa, các startup cũng như các cửa hàng nhỏ. Điều này không chỉ mang lại nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng mà còn tăng sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

 

An Nhiên

Theo Đất Việt