Alibaba rót 400 triệu USD vào Masan, thị trường bán lẻ Việt Nam có “dậy sóng”?

Alibaba và Baring Private Equity Asia vừa tuyên bố sẽ mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

Tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á

Cách đây hơn 1 tuần, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tăng trần sau tin đồn "gã khổng lồ" Alibaba rót vốn vào The CrownX - công ty con của Masan. Và tin đồn đã trở thành sự thật.

Alibaba rót 400 triệu USD vào Masan, thị trường bán lẻ Việt Nam có “dậy sóng”? - Ảnh 1

Trong thông báo đưa ra hôm 18/5, Alibaba và Baring Private Equity Asia dẫn đầu liên minh mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỉ lệ sở hữu sau phát hành. Thương vụ nâng định giá của The CrownX lên 6,9 tỷ USD. The CrownX thành lập năm 2020, là nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp, nắm giữ lợi ích của Masan tại MasanConsumerHoldings (MCH) và VinCommerce (VCM - sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+).

Masan ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 1-2021 đạt 19.977 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ này tập đoàn lãi trước thuế 343 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 216 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính quý 1-2021, siêu thị mini VinMart+ đạt doanh thu thuần 4.563 tỉ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Masan giải thích nguyên nhân do đóng cửa cửa hàng. Các cửa hàng mở trước năm 2020 đóng góp 96,0% tổng doanh thu của hệ thống VinMart+ trong quý 1 vừa qua.

The CrownX đạt EBITDA (lợi nhuận hoạt động) khoảng 1.216 tỉ đồng, xấp xỉ gấp đôi so với mức 614 tỉ đồng vào quý 1 năm ngoái.

Hơn một năm sau khi được chuyển nhượng về Masan, chuỗi VinMart và VinMart+ sẽ được đổi tên bằng cách thay chữ cái đầu V thành W, màu sắc và nhận diện thương hiệu được cho sẽ giữ nguyên.

Sau khi dừng đầu tư Vinmart và Vinmart+ không lâu, Vingroup cũng chính thức ra mắt VinShop - cải tiến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa truyền thống từ nhà sản xuất tới chủ tiệm tạp hóa.

Như vậy, Masan sẽ hợp tác với Lazada – công ty con của Alibaba - để mở rộng kinh doanh điện tử tại Việt Nam. Alibaba đang tìm cách tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á. Báo cáo của Bain & Co, Google và Temasek chỉ ra nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.

Theo thông cáo, VinCommerce sẽ cung cấp hàng hóa cho sàn thương mại điện tử Lazada tại Việt Nam, biến các cửa hàng bán lẻ thành điểm nhận hàng đặt qua mạng. Hiện nay, hàng tạp hóa chiếm khoảng một nửa thị trường bán lẻ trong nước và 1/4 chi tiêu tiêu dùng song tỉ lệ lên mạng còn thấp.

Ông Danny Le, CEO Masan Group, cho biết ưu tiên trước mắt của tập đoàn là hiện đại hóa thị trường tạp hóa Việt Nam, phát triển xu hướng tiêu dùng từ phân loại tới trải nghiệm mua sắm. Đồng thời, sự hợp tác chiến lược này giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một nền tảng “tất cả trong một” phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. The Crownx X đặt mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa trực tuyến chiếm tối thiểu 5% tổng doanh số trong các năm tới.

Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Cuộc chiến mới giữa các nhà bán lẻ

Việc Alibaba rót vốn vào công ty sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart đã khiến cho cuộc cạnh tranh bán lẻ offline và online tại Việt Nam có thêm nhiều diễn biến mới. Với số tiền đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, Alibaba và các nhà đầu tư đã đặt chân vào chuỗi bán lẻ có hệ thống cửa hàng lớn nhất Việt Nam, đồng thời sở hữu kênh thương mại điện tử top 3 trong nước.

Trước khi Alibaba nhảy vào Masan, một tập đoàn của Hàn Quốc đã mua 16,26% cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, tiếp nối làn sóng vốn ngoại đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Hiện nay, nhiều chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước đều có nguồn vốn ngoại hoặc thuộc sở hữu của nước ngoài như Aeon Mall (Nhật Bản), BigC (Thái Lan, đổi thành Tops Market và GO!), Lotte Mart, mới đây là VinMart. Các doanh nghiệp nội hiện có Bách hoá Xanh, Co.op Mart, Satrafoods...

Do sở hữu hơn 2.500 cửa hàng bán lẻ nên nếu tính VinMart và VinMart+ vào khối có vốn từ doanh nghiệp nước ngoài, số lượng cửa hàng của khối này tăng lên rõ rệt, hơn 2.600 cửa hàng, tương đương với số lượng cửa hàng của Bách hóa Xanh, Co.op Food, Co.op Mart và Satrafoods cộng lại. Như vậy, cán cân bán lẻ nội – ngoại đã cân bằng.

Alibaba rót 400 triệu USD vào Masan, thị trường bán lẻ Việt Nam có “dậy sóng”? - Ảnh 2

Sau khi nhận vốn rót từ tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ, phía The CrownX xác định kế hoạch đưa hàng hóa của Vincommerce lên Lazada, nhằm xây dựng hệ sinh thái O2O (online to offline) hoàn chỉnh. Với độ phủ rộng khắp, sản phẩm thiết yếu mua của Vincommerce trên Lazada có lợi thế về vận chuyển, gia tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ. Sự kết hợp giữa Lazada và Vincommerce giúp một bên không phải xây dựng nền tảng online, bên kia lại được bổ sung nguồn hàng đa dạng.

Dù vậy, cuộc chơi bán lẻ online lẫn offline tại Việt Nam khá cam go với nhiều kết cục bất ngờ: trước đây một số doanh nghiệp nước ngoài như Auchan, Parkson từng đóng cửa tại Việt Nam; các nền tảng thương mại điện tử lớn như Zalora, Lotte.vn,... cũng phải rời khỏi thị trường.

Hiện giờ, chuỗi VinMart phải đối đầu với Co.op Mart và BigC (cũ), VinMart+ phải đối đầu với Bách hoá Xanh, Co.op Food và Satrafoods. Còn Lazada đã bị Shopee vượt mặt trên khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động ttuyên bố sẽ giành lại thị trường bán lẻ về cho Việt Nam 6-7 năm tới. Tập đoàn này cũng tích cực xây dựng mảng thương mại điện tử để hoàn thiện hệ sinh thái, tương tự hướng đi của The CrownX.

Các đối thủ của Lazada ở mảng thương mại điện tử cũng có những lợi thế riêng: Shopee cho đặt hàng qua ứng dụng Now - nền tảng giao đồ ăn lâu đời tại Việt Nam, cùng công ty mẹ với Shopee. Hay Tiki đẩy mạnh ngành hàng tiêu dùng, trong đó có mảng thực phẩm tươi sống TikiNgon.

Đánh giá về thương vụ này, các chuyên gia cho rằng, sự kiện Alibaba và đối tác đầu tư vào Crown X - công ty con của Masan được lập ra để nắm giữ VinCommerce và Masan Consumer sẽ là vòng đầu tư đầu tiên, sẽ còn các vòng sau nữa với mục tiêu như trong Đại hội cổ đông của Masan đã công bố chiến lược Point of Life. Câu chuyện đầu tư của Alibaba sẽ giống như ở nước bản xứ, bán lẻ trực tuyến cộng sản phẩm tài chính tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn.

“Bán lẻ trực tuyến, kết hợp cho vay tiêu dùng, thanh toán qua app, khách hàng sẽ được hưởng chiết khấu lớn - đó là mô hình Alibaba chuẩn bị cho thị trường Việt. Nó sẽ tác động lớn trực tiếp vào các hãng bán lẻ truyền thống, đặc biệt đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn cao như đồ điện tử, điện thoại”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

 

Trí Tâm

Theo Doanh nghiệp Việt Nam