Miền Nam Việt Nam sẽ có thêm hai thành phố trực thuộc Trung ương

Đến năm 2030, hai tỉnh có kinh thế phát triển thuộc top đầu cả nước này sẽ trở thành hoặc đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP. HCM và năm tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Trong số này, TP. HCM nổi bật là một thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị loại đặc biệt), đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của khu vực.

Theo quy hoạch các tỉnh thành trên đã được phê duyệt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương - hai tỉnh có kinh tế phát triển top đầu cả nước được định hướng để trở thành hoặc đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, các tỉnh còn lại sẽ tập trung vào việc duy trì và phát triển tiềm năng kinh tế nhưng không có định hướng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Cụ thể, trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Diện mạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng hiện đại. Ảnh: Internet
Diện mạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng hiện đại. Ảnh: Internet

Quy hoạch này đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia, nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước và đến năm 2030, tỉnh cơ bản đủ tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có cơ cấu đô thị đa trung tâm và kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện.

Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với việc đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường. Việc quản lý và sử dụng tài nguyên sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, đồng thời tỉnh sẽ có các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Tàu container vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Long
Tàu container vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Long

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và điểm đến du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Tỉnh cũng sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển toàn diện của khu vực.

Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2030, tỉnh này sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đến năm 2030, Bình Dương cũng sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á. Tỉnh này đặt mục tiêu dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiên tiến.

Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương
Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương

Trong khi đó, hệ thống đô thị của Bình Dương sẽ phát triển đồng bộ, hiện đại và thông minh theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sinh thái sẽ được bảo vệ, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh và hiện đại. Tỉnh cũng cam kết bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 10% mỗi năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 15.800 USD. Dân số của tỉnh cũng dự kiến sẽ đạt 4,04 triệu người vào năm 2030, trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người và dân số quy đổi 0,56 triệu người.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đặt mục tiêu trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, vươn tầm khu vực và quốc tế. Tỉnh sẽ là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Bình Dương sẽ xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời đảm bảo người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao và có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Đại Dương

Theo Chất lượng và cuộc sống