Mitsubishi rút khỏi Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, người mới là ai?
Lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than và tập đoàn sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới nào về nguồn nhiên liệu này.
Ngày 26/2, tạp chí Nikkei Asia cho biết, Mitsubishi Corp. (Nhật Bản) đã quyết định rút khỏi dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu.
Theo Nikkei Asia, dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tách biệt với Nhà máy điện than Vũng Áng 2 tại Hà Tĩnh mà Nhật Bản và Việt Nam cùng hợp tác.
OneEnergy - một liên doanh của Mitsubishi và Tập đoàn CLP của Trung Quốc, nắm giữ 49% cổ phần trong dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỉ USD.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 29%. Hiện các công ty Trung Quốc đang xử lý việc thu mua vật liệu, xây dựng và giao thiết bị.
Theo Nikkei Asia, đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới về nguồn nhiên liệu này sau dự án Vũng Áng 2.
Thay vào đó, tập đoàn này có kế hoạch góp phần phát triển các dự án điện ít gây hại cho môi trường, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời.
Một nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: VietNamNet |
Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được nhắc đến là dự án nguồn điện ngoài EVN, nằm trong số 116 dự án nguồn chậm tiến độ so với quy hoạch.
Lý giải về điều này, Bộ Công thương thông tin dự án BOT Vĩnh Tân 3 cùng các dự án Vân Phong 1, Nghi Sơn 3, Vũng Áng 2, Nam Định 1... đang chậm tiến độ do thời gian chuẩn bị đầu tư, đàm phán bộ hợp đồng BOT kéo dài.
Trước thông tin Nikkei Asia công bố, báo Thanh niên dẫn lời ông Phan Xuân Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Vĩnh Tân 3, xác nhận việc rút lui của đối tác nước ngoài nhưng khẳng định, dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 vẫn triển khai bình thường.
Ông Phan Xuân Dương lý giải, hiện nay các tổ chức môi trường trên thế giới, trong đó có Hội nghị biến đổi khí hậu lần thứ 21 ở Paris (Pháp) vừa qua, hầu như tất cả các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đều gây sức ép đối với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất (thiết bị) không được đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than, trong đó bao gồm cả các đối tác chiến lược của dự án Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3. Hiện công ty đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này để chuyển cho nhà đầu tư mới.
Ông Phan Xuân Dương khẳng định dự án sẽ chuyển (một phần) sang nhà đầu tư khác.
“Hiện thủ tục chuyển sang cho nhà đầu tư khác đã được “ký nháy”. Chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ Công thương và Chính phủ Việt Nam để xử lý rồi (chuyển nhà đầu tư). Sau khi chúng tôi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương thì Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ, ngành khác giải quyết. Hiện Bộ Công thương đã lấy ý kiến các bộ, ngành bao gồm Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn điện lực Việt Nam... và 3 bộ đã có văn bản trả lời rồi”, ông Dương cho hay.
Cũng theo ông Dương, hiện nay tất cả hợp đồng BOT của dự án đã được ký tắt (ký giao ước, thỏa thuận) từ cuối tháng 12/2020.
“Bây giờ chỉ chờ Chính phủ thống nhất việc cho chuyển đổi nhà đầu tư của dự án là triển khai khởi công ngay thôi”, ông Dương nói và cho biết chủ đầu tư mới của dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là Công ty lưới điện Phương Nam (Trung Quốc), cũng là chủ đầu tư của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Chia sẻ trên báo Dân trí, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cũng xác nhận Mitsubishi đã thông báo quyết định rút khỏi dự án Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận.
"Sau khi Mitsubishi rút, cũng đã có đề xuất đơn vị khác thay thế, chúng tôi đang lấy ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này", lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông tin.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là dự án điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được giới thiệu gồm ba tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.980 MW, sản lượng điện bình quân hơn 12 tỷ kWh/năm. Đây cũng là một trong những dự án đầu tiên sử dụng than nhập khẩu liên quan đến cả mua và vận chuyển theo hình thức BOT.