Một cá nhân đăng ký bán cổ phiếu DGC, dự thu về hơn 675 tỷ đồng
Ông Đào Hữu Tú đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Đức Giang) từ 31/5 - 29/6, dự kiến thu về 675 tỷ đồng.
Được biết ông Đào Hữu Tú là bố vợ của ông Nguyễn Văn Kiên, Trưởng ban Kiểm soát Đức Giang. Ông Đào Hữu Tú đang sở hữu 3.342.038 cổ phiếu DGC chiếm tỷ lệ 1,95%.
Hiện cổ phiếu DGC đang ở mức 224.900 đồng/cổ phiếu - thị giá cao thứ 3 trên sàn chứng khoán sau VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa và HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long.
Cổ phiếu DGC ở mức giá cao ngất ngưỡng giúp tài sản của gia đình ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Đức Giang, tính theo cổ phiếu có giá trị lên đến 15.200 tỷ đồng.
Mặc dù so với mức giá đỉnh được thiết lập vào 19/4 với 262.100 đồng/cổ phiếu, DGC đã giảm 14,2% nhưng từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này vẫn tăng giá 40,7%.
Như vậy, trong hơn hai năm qua, DGC tăng đến 1.596% nhờ vào kết quả kinh doanh ấn tượng. Năm 2020, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 4.986 đồng đã tăng lên 13.122 đồng trong năm 2021.
Nếu tính 4 quý gần nhất, EPS của DGC đạt 20.110 đồng giúp chỉ số P/E ở mức 11,09 - thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, để cổ phiếu DGC duy trì được mức giá hiện tại, lợi nhuận của Đức Giang phải tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Năm nay, Đức Giang đặt kế hoạch doanh thu 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 39% so với năm trước. Cổ tức ở mức 30%.
Với EPS đạt 13.122 đồng, đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Đức Giang đã thông qua việc chia cổ tức 127% (12.700 đồng/cổ phiếu) qua hình thức 10% bằng tiền mặt và 117% bằng cổ phiếu.
Cổ tức bằng tiền mặt đã được công ty tạm ứng trước đó còn cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện giao dịch không hưởng quyền vào 3/6 tới với tổng số cổ phiếu phát hành là 200.163.229 cổ phiếu. Vốn điều lệ công ty sẽ được tăng lên 3.712 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đức Giang dự kiến phát hành hơn 8,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chiếm 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền thu được dùng để bổ sung vốn lưu động. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Quý 1 vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu thuần 3.634 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.507 tỷ đồng, tăng lần lượt 86,5% và 370,4% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục mới của công ty.
Công ty lý giải sản lượng và giá bán các mặt hàng photpho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón đều tăng trong quý 1 đã giúp doanh thu tăng. Bên cạnh đó, chi phí mua quặng apatit đầu vào được tiết giảm do công ty đã có sản lượng quặng trong 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ chưa khai thác quặng ở khai trường 25. Theo đó, giá thành sản phẩm giảm, lợi nhuận tăng.