Một loạt 'gã khổng lồ chứng khoán' liêu xiêu, riêng NVL vẫn bình yên trước 'bão giảm giá'
Kết thúc tháng 9 đầy giông bão với sắc đỏ xuất hiện ở phần lớn các nhóm ngành, những “gã khổng lồ” trên thị trường chứng khoán đã mất bao nhiêu giá trị?
Thị trường chứng khoán ghi nhận thêm một tháng chao đảo khi áp lực bán luôn được duy trì ở mức cao. Chỉ số VN-Index có thời điểm về dưới mốc 1.100 điểm, quay về ngưỡng thấp nhất hồi tháng 7 trước khi kịp hồi phục một phần vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9. Chốt tháng, VN-Index đã giảm trên 11%, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất trên thế giới.
Trong xu hướng trên, hàng loạt các cổ phiếu nhuộm sắc đỏ, thậm chí giảm rất sâu. Những cổ phiếu có vốn hoá lớn cũng không ngoại lệ, trong số 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, có tới một nửa là giảm trên 10%, 9/10 cổ phiếu suy giảm, chỉ riêng NVL là "miễn nhiễm" với "virus giảm giá".
VCB và BID giảm mạnh trên 10%
Ngân hàng là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng giảm chung của thị trường trong tháng 9. Với việc nắm giữ 38% vốn hóa thị trường, việc giảm giá của nhóm cổ phiếu này đã tác động mạnh mẽ đến chỉ số chứng khoán. Kể từ đợt hồi phục vào tháng 7, một loạt cổ phiếu ngân hàng đã giảm sâu và chạm mức giá thấp nhất trong vòng 2 đến 3 năm trở lại đây.
Tính tới thời điểm cuối tháng 9, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn là cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất trên thị trường, bỏ xa vị trí thứ hai (346.420 tỷ đồng so với 220.766 tỷ đồng của VHM).
Xét từ đầu tháng tới nay, giá cổ phiếu VCB đã giảm mạnh gần 13% từ mức 84.000 đồng/cổ phiếu xuống 73.200 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa theo đó “bay hơi” hơn 51.000 tỷ đồng trong tháng .
Một cổ phiếu ngân hàng khác trong nhóm 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) còn có mức giảm sâu hơn trong tháng 9 khi mất 15,25% giá trị.
Cụ thể, giá cổ phiếu BID chốt phiên 30/0 là 33.900 đồng/ ổ phiếu, giảm mạnh so với mức giá hồi đầu tháng 9 là 40.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến cho giá trị vốn hoá của ngân hàng này giảm gần 31.000 tỷ đồng.
Bộ đôi VIC - VHM lao dốc, NVL ngược dòng
Trong xu hướng chung, hai cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes và VIC của Tập đoàn Vingroup cũng giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu VIC giảm sâu về 54.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/9, đây cũng là mức giá thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây của cổ phiếu VIC kể từ tháng 12/2017, trước khi hồi phục 0,73% vào phiên cuối tháng.
Trên thực tế, đà giảm của cổ phiếu VIC đã được duy trì từ tháng 11/2021 kể từ ngưỡng trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ tính riêng tháng 9, giá cổ phiếu VIC đã giảm 13,67%, giá trị vốn hoá của công ty cũng từ đó bị “thổi bay” khoảng 33.200 tỷ đồng.
Một cổ phiếu “họ Vingroup” khác là VHM cũng giảm mạnh 16,9% trong tháng 9, mức vốn hoá của cổ phiếu theo đó giảm mạnh gần 45.000 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong số 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất sàn HoSE.
Trái với tình trạng ảm đạm chung của nhóm ngành bất động sản, cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) lại “lội ngược dòng” và trở thành một trong những cổ phiếu hiếm hoi tăng giá trong tháng 9. Cụ thể, giá cổ phiếu này đã đạt mức 84.900 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 3,66% so với đầu tháng.
Mới đây, Công ty Cổ phần Novagroup đăng ký nhận chuyển nhượng gần 94,7 triệu cổ phiếu NVL. Sau khi giao dịch hoàn tất, công ty này sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 37,02%, tương đương với 722 triệu cổ phiếu. Ước tính thương vụ sẽ có giá trị khoảng 8.040 tỷ đồng.
SAB và VNM chỉ giảm nhẹ, MSN lún sâu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9, cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan giảm 1% về ngưỡng 99.000 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp và là phiên giảm thứ 8 trong số 9 phiên giao dịch gần nhất (1 phiên còn lại đứng giá tham chiếu).
Khởi đầu tháng 9 với mức giá 114.500 đồng/cổ phiếu, MSN đã ghi nhận mức giảm sâu 13,54% trong tháng, khiến giá trị vốn hóa giảm 22.608 tỷ đồng.
Trong một diễn biến mới đây, Masan huy động thêm 1.500 tỷ đồng trái phiếu chia làm 2 lô với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng. Lượng trái phiếu này được đăng ký thành công ngay trước khi một lô khác có giá trị tương đương đáo hạn vào 25/9 mới đây. Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ trái phiếu của riêng công ty mẹ Masan Group là 19.500 tỷ đồng. Trong số, khoản nợ 14.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 3 đến tháng 8/2023, tức trong vòng 1 năm tới, và 4.000 tỷ đáo hạn vào tháng 1/2024.
Cũng trong ngành hàng tiêu dùng nhưng cổ phiếu SAB của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chỉ giảm nhẹ lần lượt 1,54% và 4,24% trong tháng 9.
Kể từ tháng 6 trở lại đây, việc cổ phiếu VNM "miễn nhiễm" với đà giảm của thị trường không còn là điều hiếm gặp. Cổ phiếu này đã ghi nhận đà hồi phục ấn tượng 16,5% từ tháng 6, “nâng đỡ” thị trường và đạt 77.000 đồng/ cổ phiếu ở cuối tháng 8 trước khi giảm nhẹ về mức giá hiện tại. Vinamilk đang có kế hoạch khởi công nhà máy sữa mới tại Hưng Yên vào cuối tháng 12, hứa hẹn sẽ góp thêm mảnh ghép vào câu chuyện tăng trưởng, từ đó thu hút thêm nhà đầu tư.
GAS và HPG diễn biến trồi sụt
Hai cổ phiếu nhóm ngành công nghiệp nặng là GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam và HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận mức giảm khá gần nhau, lần lượt là 6,06% và 7,83%, diễn biến giá trong tháng đều khá trồi sụt.
Giá chốt của cổ phiếu GAS là 110.000 đồng/ cổ phiếu vào ngày 30/9, giảm 7.100 đồng kể từ đầu tháng. GAS đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng với sản lượng khí khô đạt 5.700 triệu m3 (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái), doanh thu và lợi nhuận trước thuế đầu tăng so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo công ty cho rằng khí khí LNG nhập khẩu hiện tại vẫn ở mức chấp nhận được nếu so với chi phí điện than cũng đang cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tỏ ra lạc quan đối với Luật Dầu Khí mới sắp được thông qua, thứ sẽ giúp ngành thăm dò và khai thác dầu khí thu hút các nhà đầu tư.
Mặt khác, cổ phiếu HPG có giá đóng cửa đạt 21.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/9, tiếp tục giảm 2,8%. Đây là phiên giảm giá thứ 10 trong số 14 phiên gần nhất của cổ phiếu này, trong đó có 3 phiên giá không đổi. Tuy giá cổ phiếu chỉ giảm 1.800 đồng trong cả tháng, giá trị vốn hoá của cổ phiếu này cũng sụt giảm khoảng 10.500 tỷ đồng. Ở một chiều hướng khác, HPG lại là một trong những cổ phiếu có khối lượng mua ròng từ khối ngoại lớn nhất trong tháng qua.
Về tình hình kinh doanh, tác động từ việc giá bán giảm, tiêu thụ HRC và tôn mạ giảm và chi phí sản xuất cao có thể khiến cho kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ tiếp tục giảm trong quý III. Ban lãnh đạo công ty cũng tỏ ra không quá lạc quan về hoạt động kinh doanh sắp tới. Tuy nhiên, công ty lại cho thấy tham vọng ở mảng bất động sản với việc Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Hòa Phát Yên Mỹ (công ty con của Hòa Phát) đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội hơn 4.800 tỷ đồng tại Hưng Yên.