Một năm thăng trầm của thị trường tiền mã hóa

Năm 2022 kết thúc với nhiều biến động trong hầu hết các lĩnh vực như: Đầu tư, chứng khoán, bất động sản… thị trường tiền mã hóa cũng không ngoại lệ khi chứng kiến hàng loạt sự kiện “chấn động”.

 

Vitalik Buterin và CZ, hai nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực Crypto.
Vitalik Buterin và CZ, hai nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực Crypto.

Sự sụp đổ của đế chế FTX và Sam “xoăn”

Thời điểm tháng 1/2022, sàn giao dịch tiền mã hóa FTX của Sam Bankman - Fried (thường được gọi là SBF hoặc Sam “xoăn”) đã huy động được 400 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C với mức định giá lên tới 32 tỷ USD. FTX vươn lên trở thành sàn giao dịch có quy mô nhất nhì tại Mỹ, có lúc tổng tài sản ròng của SBF vượt mốc 17 tỷ USD và trở thành một trong những tỷ phú trẻ tuổi giàu có trong lĩnh vực tiền mã hóa (xếp hạng 41 theo danh sách cập nhật ngày 27/9/2022 của Forbes) và hậu thuẫn các dự án: BlockFi, Voyager Digital và Celsius. Bên cạnh đó, ông còn nhận được vốn đầu tư từ những quỹ lớn như: Vision Fund, Temasek và Ontario Teachers’ Pension Plan.

Thế nhưng, cuối năm 2022, sau khi công khai các thông tin về những khó khăn mà sàn FTX đang gặp phải và cho dừng rút tiền, Sam “xoăn” liên tục “cầu cứu” các bên nhằm “hồi sinh” đứa con tinh thần FTX. Tuy nhiên, không ai đáp lại lời kêu cứu của ông. Ngày 11/11 FTX đưa ra thông báo chính thức trên kênh Twitter về việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ước tính có khoảng 130 công ty liên quan cũng nằm trong đơn xin bảo hộ phá sản trên, bao gồm cả Alameda Research và FTX US.

Sự kiện FTX sụp đổ được ví như bong bóng nhà đất tại Mỹ năm 2007-2008 vì sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, nguồn vốn vay không được bảo đảm và sự che đậy của nhiều tổ chức. Sự sụp đổ của FTX kéo theo nhiều hoài nghi, liệu đây có phải là “bữa tiệc tàn” của tiền mã hóa hay là một sự khởi đầu mới trong thời gian tới?! Dù thế nào đi chăng nữa, đây cũng được xem là cơ hội cho các dự án về ví phi tập trung thu hút người dùng.

CZ đưa Binance vượt qua tâm bão

Sau sự kiện sụp đổ của sàn FTX, Binance nghiễm nhiên trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, 2022 dường như là một năm không “may mắn” đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa khi liên tục gặp sóng gió. Sau FTX, Binance đang đối mặt với hàng loạt các cáo buộc liên quan đến thanh toán, tài sản dự trữ và các cuộc điều tra của văn phòng luật sư ở Hoa Kỳ vì nghi vấn rửa tiền và vi phạm lệnh trừng phạt. Thanh khoản của sàn được quan tâm hàng đầu vì nhiều tờ báo và nhân vật có ảnh hưởng nêu đích danh Binance không có khả năng thanh toán.

Hãng tin Reuters cho biết, phía Bộ Tư pháp Mỹ vẫn chưa đưa ra kết quả cuối cùng về việc sàn này có thực sự tuân thủ luật chống rửa tiền hay không và đang cân nhắc các biện pháp cho lệnh trừng phạt.

Sau những thông tin trên, dữ liệu On-Chain cho biết, trong vòng 7 ngày sau khi có FUD (tin tức xấu) thì có hơn 3 tỷ USD đã bị người dùng ồ ạt rút ra khiến giá đồng coin của sàn Binance liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, đối diện với hàng loạt sự cố đến cùng một lúc, CEO của Binance - ông Changpeng Zhao (CZ) vẫn rất bình tĩnh giải quyết, đồng thời lên tiếng động viên nhân viên cùng cố gắng trong thời gian sắp tới trên trang Twitter chính thức của mình.

Theo một số nguồn tin cho biết, khoản dự trữ stable coin của sàn Binance có thể lên đến 30 tỷ USD, do đó việc bị người dùng rút ồ ạt 3-4 tỷ USD là bình thường và không ảnh hưởng gì đến tính thanh khoản của sàn.

Được biết, trước đó sàn Binance đã tuyển dụng rất nhiều nhân sự giỏi mảng pháp lý về làm việc. Có rất nhiều thuyết âm mưu đang lưu hành trên thị trường cho rằng, không loại trừ khả năng chính CZ đã tự tạo ra những đợt khủng hoảng có chủ đích đánh vào bản thân mình trong lúc niềm tin về các sàn CEX (sàn giao dịch tiền mã hóa) đang lung lay nhằm “tuyên bố” với cộng đồng rằng Binance là bá chủ của ngành CEX.

Năng lực cũng như tài chính của họ đủ mạnh để xử lý tất cả các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra. Binance không giống như FTX! Họ mạnh hơn về tất thảy, xử lý khủng hoảng tốt hơn, nguồn lực tài chính mạnh hơn và thậm chí những tài sản hiện hữu của Binance mà mọi người thấy chỉ là bề nổi của tảng băng, những con số kiểm toán dựa trên số lượng dự trữ Bitcoin được thế chấp so với quỹ tiền của người dùng. Những khoản đầu tư, lớp tài sản khác của Binance và CZ đều chưa được công bố và không ai có thể biết được nó nhiều khủng khiếp đến nhường nào.

Bitcoin rớt thảm

Năm 2022, những dấu hiệu của “mùa đông” tiền mã hóa đã dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Giá đồng bitcoin (BTC) từ đỉnh gần 68.000USD vào tháng 11/2021 đã giảm sâu và tính đến cuối tháng 12/2022 chỉ còn quanh mức 16.800USD, giảm tới hơn 70% giá trị từ lúc lập đỉnh. Nhiều phân tích của các chuyên gia trong ngành tin rằng, với xu hướng hiện nay thì đồng tiền vua này có thể còn hạ xuống dưới 10.000USD sau đó mới có thể tăng trở lại.

“Mùa đông” tiền mã hóa là nỗi sợ của những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Khi mùa đông tiền mã hóa xuất hiện sẽ kéo theo hàng loạt các đồng coin và token giảm giá, các vụ trộm cắp diễn ra ngày càng nhiều khiến cho chỉ số sợ hãi của người chơi tăng vọt, các công ty lớn hoặc quỹ đầu tư bất ngờ phá sản tác động tiêu cực khiến BTC lao dốc…

Ngược dòng lịch sử, BTC bắt đầu được một người bí ẩn tên Satoshi tạo ra từ năm 2007 khi chứng kiến những cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông tin rằng có thể thiết lập được một hệ thống giao dịch mà các thành viên không cần tin tưởng nhau. BTC lần đầu được nhắc đến vào năm 2008 trong bản cáo bạch về giao thức thanh toán ngang hàng và được đưa vào sử dụng năm 2009. Cộng đồng phát triển đồng tiền này mất hoàn toàn liên lạc với Satoshi từ giữa năm 2010 sau khi ông đưa cho Gavin Andresen khóa báo động nếu mạng lưới BTC bị tấn công. Vào tháng 5/2010, lần đầu tiên BTC được sử dụng để mua hàng hóa và 10.000BTC mua được 2 chiếc bánh pizza thời điểm đó.

Ethereum sẽ cứu vớt thị trường vượt qua “mùa đông”?

Giữa hàng loạt tin tức xấu, tin vui lớn cho cộng đồng tiền mã hóa là sự kiện The Merge diễn ra thành công ngày 15/9/2022. Sau sự kiện này, quy trình xác thực Ethereum chuyển từ bằng chứng công việc (PoW) sang bằng chứng cổ phần (PoS), giúp giảm thiểu mức ô nhiễm môi trường tới 99,95%.

Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thị trường tiền mã hóa. Trước khi The Merge diễn ra, Ethereum tiêu tốn khoảng 112TWh/năm với cơ chế PoW. Khi chuyển sang PoS, mức này giảm chỉ còn 0,01TWh/năm. Đồng thời, ngay sau khi chuyển sang PoW, mạng Ethereum có thể cải thiện được tốc độ, phí giao dịch, giúp nhiều người có thể tiếp cận công nghệ này hơn.

Các nhà kinh tế học của Goldman Sach nhận định, khủng hoảng của FTX có thể là đỉnh điểm của “mùa đông”. Trong những tháng đầu 2023, thị trường có thể có một đợt biến động mạnh nhưng về lâu dài, hợp nhất thành công mạng Ethereum giúp các nhà quản lý có cái nhìn tích cực hơn về tiền mã hóa. JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trong thông báo đầu tháng 12 cũng nhận định: “Ethereum hậu hợp nhất sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử.

Nhật miễn thuế doanh nghiệp cho đơn vị phát hành token

Ủy ban thuế của Đảng dân chủ Tự do (LDP) đã họp và thống nhất dự thảo miễn thuế doanh nghiệp (lợi nhuận trên giấy) cho đơn vị phát hành token (là một loại tài sản điện tử được phát hành và hoạt động trên nền tảng blockchain của các dự án có sẵn mà không sở hữu blockchain riêng).

Akihisa Shiozaki, Tổng thư ký nhóm dự án Web3 cho rằng, đề xuất này sẽ được đưa vào hướng dẫn chính sách thuế hằng năm, đệ trình lên quốc hội vào tháng 1/2023, có hiệu lực từ ngày 1/4. Đề xuất cũng  khuyến nghị ban hành luật cho các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) phát hành stablecoin không kiểm duyệt dựa trên đồng yên, cải cách quản trị Hiệp hội trao đổi tiền mã hóa, sàng lọc các token kém chất lượng và hướng dẫn kiểm toán các công ty tiền mã hóa.

Tính đến hiện tại, Nhật Bản đang truy thu thuế các nhà phát hành token lên đến 35%. Loại thuế này đã khiến các dự án rời khỏi đất nước này rất nhiều.

Ý thu thuế 26% tài sản tiền mã hóa

Năm 2023, Ý đưa ra dự thảo thu thuế 26% đối với lợi nhuận trên 2.000EUR từ việc giao dịch tiền mã hóa.

Theo đó, người nộp thuế kê khai tài sản từ ngày 1/1/2023 được hưởng mức thuế thấp hơn là 14%. Việc này nhằm khuyến khích người dân khai báo việc nắm giữ tài sản tiền mã hóa trong tờ khai thuế. Dự  luật cũng bao gồm các nghĩa vụ tiết lộ thông tin, đóng dấu tương tự như các tài sản truyền thống. Tuy nhiên, đề xuất vẫn đang được xem xét và có thể được sửa đổi trước Quốc hội.

Dữ liệu của Triple A cho biết, Ý có khoảng 1,3 triệu người, tương đương 2,3% dân số sở hữu tài sản tiền mã hóa, thấp hơn nhiều so với Anh là 5% và Pháp là 3,3%.

NFT của cựu Tổng thống Donald Trump “cháy hàng”

Dữ liệu OpenSea cho biết, ngày 16/12/2022 có đến 45.000NFT (Non-Fungible Token: Token không thể thay thế) do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát hành trên mạng Polygon của Blockchain. Những NFT này được phát hành dưới dạng thẻ bài và cháy hàng trong vòng vài giờ, thu về khoảng 785.000USD.

NFT có giá thấp nhất là 99USD, đi kèm với chương trình rút thăm trúng thưởng như: Dự tiệc cocktail tại Mar-A-Lago, dùng bữa tối ở Miami hoặc đánh golf với cựu Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, khi sở hữu từ 45NFT trở lên sẽ nắm chắc suất đàm đạo với Đảng Cộng hòa ở khu nghỉ dưỡng Florida.

Cũng theo dữ liệu OpenSea, có đến 1.000NFT đã được airdrop vào một ví vài giờ trước khi mở bán công khai. Một số NFT khác lại được rao bán lại trên thị trường thứ cấp với giá 7.000USD. Nhà sưu tập NFT Nanitor chi hẳn 6ETH (tương đương 7.200USD) để sở hữu NFT có hình ông Trump đội nón Giáng sinh.

Bất chấp việc bị “chê” là hình ảnh kém chất lượng và nghi án vi phạm bản quyền, sự kiện mở bán NFT trên vẫn mang về cho cựu Tổng thống Trump ước tính gần 4,5 triệu USD. 

Diễm Trần

Theo Chất lượng và cuộc sống