Một phần dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển bị kiến nghị tiếp tục kê biên
Một phần dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư bị kiến nghị tiếp tục kê biên trong giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát.
Kiến nghị tiếp tục kê biên 16 quyền sử dụng đất
Theo Kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã kiến nghị tiếp tục kê biên 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè Tp.HCM (1 ha thuộc dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư), giao cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Liên quan nội dung này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ 3 cá nhân gồm: Nhan Nhựt Phương, Trần Duy Bình và Trần Tuấn Anh đứng tên sở hữu các quyền sử dụng đất nêu trên góp tiền cùng Nguyễn Ngọc Dương (đã chết) để mua trong khi Trương Mỹ Lan khai đã chi 500 tỷ đồng cho Dương để mua các quyền sử dụng đất này, theo đó Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Tòa án tiếp tục duy trì kê biên đối với các tài sản trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử đã tuyên án buộc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan với số tiền là 2.882,8 tỷ đồng, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Được biết, dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển có quy mô gần 92 ha và được Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Vào tháng 3/2017, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án với Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island (gọi tắt là Sunny Island) (một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát) với giá trị chuyển nhượng là 4.800 tỷ đồng.
Theo đó, Sunny Island phải thanh toán toàn bộ số tiền trên cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai chậm nhất vào ngày 10/9/2017. Đồng thời, Sunny Island sẽ giữ lại các giấy tờ đất đai của dự án với tổng diện tích 65 ha, mà chủ đầu tư đã đền bù xong. Khi đến hạn, Sunny Island đã thanh toán cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tổng cộng 2.882 tỷ đồng.
Tiếp đó, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho rằng, Sunny Island đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Thế nên, vào tháng 3/2018, đã thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu trả lại hồ sơ đất đai.
Dù Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai yêu cầu hoàn trả lại hồ sơ đất đai thế nhưng Sunny Island không thực hiện yêu cầu này. Đến tháng 12/2020, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Vào tháng 5/2023, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thông báo về quyết định của VIAC. Theo đó, VIAC đã tuyên bố rằng Quốc Cường Gia Lai đã chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định và yêu cầu Sunny Island phải hoàn trả cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai toàn bộ hồ sơ đền bù đất và giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận theo biên bản giao nhận từ năm 2017.
Nguyên nhân do Sunny Island giao hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng khoảng 65ha đất từ Công ty Cổ phần Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho Sacombank mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Tình hình kinh doanh không mấy tốt đẹp, nhà máy thủy điện bị rao bán
Tình hình kinh doanh Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai liên tục sa sút, cụ thể theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 cho thấy nợ phải trả hơn 5.225 tỷ đồng trong khi vốn chủ sỡ hữu hơn 4.341 tỷ đồng. Trong quý I/2024, nợ phải trả ghi nhận con số hơn 5.161 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 4.354 tỷ đồng điều này cho thấy tình hình thanh toán và lợi nhuận của công ty này trong thời gian qua không mấy tốt đẹp.
Cùng với đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 cho thấy, tại khoản phải trả ghi nhận Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai phải trả cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sunny Island số tiền 2.882,8 tỷ đồng đang được hạch toán trong mục phải trả ngắn hạn khác. Số tiền này tương đương khoảng 30% tổng tài sản (hơn 9.567 tỷ đồng) của Công ty này tính đến ngày 31/3/2023.
Tiếp đó, ngày 20/5, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐQT thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung nhằm tái cơ cấu đầu tư. Hai nhà máy thủy điện này đều do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thủy điện Quốc Cường - một công ty con của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, làm chủ đầu tư.
Cụ thể, nhà máy thủy điện Ia Grai 2, tại xã Ia Tô, Ia Krái, Ia Grăng, Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai với công suất lắp máy 7,5MW, với 2 tổ máy công suất 3,75MW/tổ máy. Giá trị chuyển nhượng nhà máy này dự kiến khoảng 235 tỷ đồng.
Nhà máy thủy điện Ayun Trung, tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang và xã Trang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Nhà máy thủy điện này có công suất lắp máy đạt 13MW. Giá trị chuyển nhượng máy này dự kiến khoảng 380 tỉ đồng.
Theo đó, Điều kiện chuyển nhượng của 2 nhà máy thủy điện nói trên được Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đưa ra là, bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quy định quyền lợi của người lao động.
Theo Nghị quyết của công ty này thì thời gian chuyển nhượng 2 nhà máy này sẽ được diễn ra trong quý 2 và quý 3/2024.