Vụ Quốc Cường Gia Lai phải trả tiền cho Trương Mỹ Lan: Số tiền 2.882 tỷ đồng nhận từ Sunny Island đang ở đâu?
Quốc Cường Gia Lai (QCG) có khoản tiền liên quan Sunny Island từ năm 2017, ghi nhận trên BCTC.
HĐXX đã tuyên án với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan. Mức án dành cho các bị cáo đã được công bố, kèm với đó là các trách nhiệm dân sự của các bên liên quan.
Sự kiện được giới tài chính quan tâm hiện nay là việc HĐXX phán quyết CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) phải trả lại 2.882 tỷ đồng cho Trương Mỹ Lan. Đây là kết quả của quá trình C03 vào cuộc điều tra dòng tiền liên quan CTCP Đầu tư Sunny Island được công bố trước đó.
Quốc Cường Gia Lai – Sunny Island: Vòng xoay dòng tiền 2.882 tỷ đồng
Câu chuyện của 2.882 tỷ đồng và dự án Phước Kiển bắt đầu từ năm 2009 khi Quốc Cường Gia Lai phát sinh khoản vay hơn 184 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID). Khoản vay này được thế chấp bằng toàn bộ dự án Phước Kiển trị giá 1.229 tỷ đồng; căn nhà 106 Lý Chính Thắng (quận 3) và phần vốn góp của bà Như Loan trong công ty tương ứng số tiền 124,2 tỷ đồng. Mục đích khoản vay để đền bù, hoàn thiện cơ sở hạ tầng dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM).
Khoản vay tại BIDV “lớn dần” lên theo năm tháng, đến hết năm 2015 tổng dư nợ vay của Quốc Cường Gia Lai tại BIDV lên đến 1.740 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản vay phát sinh cho dự án Phước Kiển là 1.621 tỷ đồng. Tài sản thế chấp đến lúc này là 26 giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSD) đất thuộc khu dân cư 13E, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh; 6 GCN QSD đất số 185 Võ Thị Sáu; hơn 9,29 triệu cổ phiếu QCG; toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án Phước Kiển.
Sự xuất hiện của cái tên Sunny Island tại Quốc Cường Gia Lai bắt đầu từ năm 2017 khi phát sinh khoản “phải trả ngắn hạn khác” 2.882 tỷ đồng. Đây là số tiền nhận từ Sunny Island theo “Biên bản thỏa thuận ghi nhớ” vào ngày 15/10/2016. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu trong 1 công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển sang cho Sunny Island.
Tuy đã nhận tạm số tiền 2.882 tỷ đồng nhưng công văn ngày 5/4/2017 của Quốc Cường Gia Lai cho thấy Sunny Island đã thanh lý Biên bản nêu trên do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, và 2 bên đang trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng.
Quay lại với dòng tiền, nhận 2.882 tỷ đồng từ Sunny Island, cuối năm 2017 Quốc Cường Gia Lai đã dùng một phần số tiền này tất toán hết khoản vay tại BIDV. Theo giải trình, số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất và dự án đủ điều kiện cho phép chuyển nhượng.
Nói đến khoản nợ với BIDV, khi tất toán nợ, Quốc Cường Gia Lai có công văn xin BIDV giảm 50% lãi suất thì sẽ tất toán sớm khoản vay cho dự án Phước Kiển. BIDV chấp thuận, tổng tiền tất toán còn 1.376 tỷ đồng, được giảm 237 tỷ đồng lãi vay. Số còn lại đổ vào dự án Phước Kiển để đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo thông báo, tại thời điểm cuối năm 2017, Quốc Cường Gia Lai và BIDV đang trong qua trình tất toán thủ tục pháp lý liên quan việc giảm lãi suất và tất toán khoản vay. Đến cuối năm 2017, BIDV đã giải chấp tài sản đảm bảo.
Ẩn số mang tên Sunny Island và dự án 14.800 tỷ đồng
Về mặt nghiệp vụ, số tiền 2.882 tỷ đồng “yên vị” trên BCTC Quốc Cường Gia Lai ở mục “Phải trả cho tổ chức khác” mà đối tác là Sunny Island, cho dự án Phước Kiển.
Đến năm 2020, Quốc Cường Gia Lai bất ngờ có thuyết mình về khoản “nợ tiềm tàng”, trong đó cho biết ngày 9/12/2020 công ty đã nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển. Theo đó QCG yêu cầu Sunny Island trả toàn bộ Giấy chứng nhận QSD đất và hồ sơ đền bù nhận tại BIDV và toàn bộ hồ sơ đền bù theo 06 biên bản giao nhận hồ sơ mà Sunny island đang giữ.
Đến năm 2021, QCG thông báo đã chấm dứt hợp đồng hứa mua hứa bán dự án Phước Kiển với Sunny Island do phía đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán và chiếm giữ bất hợp pháp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ giải phóng mặt bằng 65ha tại dự án Phước Kiển.
BCTC năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai trình bày, ngày 10/5/2023 VIAC đã đưa ra phán quyết QCG chấm dứt hợp đồng với Sunny Island là đúng, và buộc Sunny Island hoàn trả toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phòng mặt bằng… Ngoài ra VIAC xác định việc Sunny Island giao hồ sơ này cho SCB mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của SCB là vi phạm quy định.
Trong lúc Quốc Cường Gia Lai đâm đơn kiện Sunny Island, thì đối tác này cũng gửi đơn kiện ngược QCG vì hành vi chiếm đoạt 2.882 tỷ đồng. Sunny Island cho rằng Quốc Cường Gia Lai đã có hành vi gian dối với tình trạng pháp lý của dự án Phước Kiển (90,65ha) khiến Sunny Island ký hợp đồng hứa mua hứa bán và chuyển tổng tiền 2.882 tỷ đồng.
Tuy vậy thông tin trên báo Công an TP HCM cho biết, tháng 3/2022 Cơ quan cảnh sát điều tra CA TP HCM đã có quyết định không khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra cho biết tiến trình pháp lý dự án lúc đó là “đang được Sở Xây dựng đề nghị UBND TP HCM công nhận Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư”. Phía Quốc Cường Gia Lai sẽ làm thủ tục cần thiết để được chấp thuận đầu tư dự án.
Trên thực tế, hợp đồng hứa mua, hứa bán của Sunny Island với Quốc Cường Gia Lai có giá trị 14.800 tỷ đồng, trả tiền theo tiến độ (10 lần). Quốc Cường Gia Lai sẽ có nghĩa vụ chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Sunny Island theo lộ trình. Lúc ký hợp đồng này QCG đã bồi thường được khoảng 92% tổng diện tích dự án (84,1ha).
Cũng theo lộ trình hợp đồng hứa mua, hứa bán trên, đến ngày 20/9/2017 phía Sunny Island sẽ phải chuyển cho Quốc Cường Gia Lai tổng số tiền lên đến 4.800 tỷ đồng, còn phía Quốc Cường Gia Lai sẽ giao toàn bộ hồ sơ giấy tờ cho Sunny Island hoặc 1 đơn vị do phía Sunny chỉ định.
Tuy nhiên, khi mới giao tiền các đợt (tổng đến 2.882 tỷ đồng) và phía Quốc Cường Gia Lai đã lấy lại hồ sơ từ BIDV giao cho Sunny Island (Giấy chứng nhận và hồ sơ bồi thường khoảng 65,76ha), thì phía Sunny không tiếp tục chuyển tiền, dẫn tới khởi kiện.
Diễn biến mới nhất về vụ tranh chấp này, ngày 27/12/2023, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) thông báo nhận được Quyết định số 2542/2023/QD-PQTT đề ngày 05/12/2023 của Tòa án nhân dân TP. HCM về việc giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Sunny Island.
Trước đó, tin trên báo Pháp Luật Việt Nam ngày 16/1/2022 dẫn lời bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, các thỏa thuận trong hợp đồng hứa mua, hứa bán ký với Sunny Island được thỏa thuận trực tiếp với bà Trương Mỹ Lan. Công ty Sunny Island chỉ là pháp nhân mà bà Lan sử dụng để hợp tác với Quốc Cường Gia Lai thực hiện dự án này.
Sunny Island thành lập tháng 2/2017 cũng là thời điểm Quốc Cường Gia Lai có biên bản ghi nhớ với đối tác này về dự án Bắc Phước Kiển.
Ban đầu thành lập Sunny Island có trụ sở chính tại số 08 Nguyễn Huệ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, vốn điều lệ 250 tỷ đồng.
Sunny Island có 3 cổ đông sáng lập, trong số đó, ông Chang Ly sở hữu 10 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 40%. Ông Nguyễn Ngọc Hiền và ông Văn Kim Phụng mỗi người sở hữu 30% vốn cổ phần còn lại. Ông Chang Ly, người Hoa, mang quốc tịch Việt Nam, là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty.
Từ 2017 đến nay, đã có hàng chục lần thay đổi thông tin trên Giấy phép đăng ký kinh doanh. Dàn lãnh đạo cũng thường xuyên thay đổi, thậm chí địa chỉ trụ sở chính cũng nhiều lần được di dời.
Đáng chú ý trong đó là thời điểm tháng 7/2020 ông Hồ Quốc Minh làm Tổng Giám đốc. Cái tên Hồ Quốc Minh đã quá quen thuộc trong nhiều “sự kiện” liên quan Vạn Thịnh Phát, như là vụ việc với đại gia Nguyễn Cao Trí…
Thời điểm năm 2017, Sunny Island gây tiếng vang khi công ty mới thành lập, vốn điều lệ vỏn vẹn 250 tỷ đồng mà lại bắt tay ký kết vớ Quốc Cường Gia Lai dự án hàng chục nghìn tỷ đồng như Phước Kiển.
Về tình hình kinh doanh, khi bắt đầu “rót” tiền vào dự án Phước Kiển năm 2009, doanh thu và lợi nhuận Quốc Cường Gia Lai tăng 3 năm liên tiếp từ mức chỉ 13 tỷ đồng (2007) lên đến 717 tỷ đồng năm 2010. Lợi nhuận năm 2010 cũng tăng manh lên 123 tỷ đồng.
Những năm sau đó cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút, thậm chí thua lỗ năm 2011. Năm 2016 câu chuyện hợp tác với Sunny Island bắt đầu được nhắc tới khi doanh thu công ty tăng vọt gấp 4 lần lên 1.588 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 “đỉnh” nhất, đạt gần 400 tỷ đồng.
Tuy vậy sau đó mọi thứ “tuột dốc”, ngoại trừ doanh thu đột biến 1868 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm sốc. Thậm chí năm 2023 vừa qua lãi sau thuế vỏn vẹn xấp xỉ 3 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai lấy gì để trả lại 2.882 tỷ đồng?
"Hành trang" sau phán xét của HĐXX vụ Vạn Thịnh Phát khiến Quốc Cường phải trả Trương Mỹ Lan số tiền 2.882 tỷ đồng lại là số lãi khiêm tốn chỉ 3 tỷ đồng năm 2023.
Tuy vậy, "Của để dành" của công ty vẫn còn 521 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối; 807 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 35 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển. Tổng tài sản giảm khoảng 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, còn gần 9.600 tỷ đồng.
Tài sản lớn nhưng nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai cũng chiếm đến 55% tổng tài sản, vượt 5.225 tỷ đồng, trong đó riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 313 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 268 tỷ đồng.
Báo cáo ghi nhận tổng giá trị hàng tồn kho của công ty đến hết năm 2023 còn hơn 7.000 tỷ đồng, tuy vậy hàng hóa là bất động sản chỉ còn 463 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là bất động sản dở dang (6.531 tỷ đồng), tập trung chủ yếu tại dự án Phước Kiển, Lavida, Central Premium, Marina Đà Nẵng…
Tòa phán quyết Quốc Cường Gia Lai phải trả lại 2.882 tỷ đồng cho Trương Mỹ Lan, tuy vậy tiếp tục kê biên 16 bất động sản với tổng diện tích khoảng 1ha tại dự án Phước Kiển, giao Bộ Công an tiếp tục điều tra để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.