Một trật tự mới của ngành xây dựng đang hình thành
Cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ ngành xây dựng vẫn là cuộc đua song mã giữa Coteccons và Hòa Bình. Tuy nhiên, ở phía sau của 2 gã khổng lồ này, các vị trí đã có sự đảo lộn đáng kể.
Cuộc đổi ngôi lạ lùng
Coteccons và Hòa Bình là hai “ông trùm” xây dựng của Việt Nam suốt mười mấy năm qua. Cả hai đã cùng tạo nên giai đoạn kì vĩ của ngành khi liên tục có mức tăng trưởng tính bằng lần. Với Hòa Bình, đó là “thập niên vàng” 2008 – 2018 với mỗi 5 năm, doanh thu lại tăng gấp 5 lần, từ 696 tỷ đồng lên 18.299 tỷ đồng. Còn với Coteccons, trong cùng giai đoạn trên, mỗi 5 năm, doanh thu lại tăng gấp 3 – 4 lần, từ 1.823 tỷ đồng lên 28.560 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2019, cả hai cùng giảm tốc, rồi thay nhau lâm vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng đến sớm hơn với Coteccons, khi “cuộc chiến cung đình” xảy ra trong giai đoạn 2019 - 2020, với kết cục là nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời đi, để lại một đống đổ nát. Coteccons từ đỉnh cao doanh thu 28.560 tỷ đồng (2018), rơi một mạch xuống 9.078 tỷ đồng (2021). Trong khi đó, Hòa Bình dù lâm vào khủng hoảng, nhưng đà rơi doanh thu chậm hơn, từ đỉnh cao 18.609 tỷ đồng (2019) xuống 11.355 tỷ đồng (2021). Nhờ vậy, năm 2021, Hòa Bình đã soán ngôi Coteccons để trở thành doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam (xét theo doanh thu, lợi nhuận và cả giá trị vốn hóa).
Song, chỉ một năm sau đó (2022), Hòa Bình lại đi vào đúng vết xe đổ của Cotecons khi nội bộ xảy ra “cuộc chiến vương quyền”. Mặc dù Chủ tịch Lê Viết Hải đã dẹp yên cuộc “nội loạn” nhưng kết cục của cuộc chiến là cực kỳ thảm khốc khi Hòa Bình báo lỗ sau thuế tới 1.140 tỷ đồng đồng thời đánh mất ngôi vị số 1 mới giành được vào lại tay Coteccons (cả trên 3 khía cạnh doanh thu, lợi nhuận, giá trị vốn hóa). Trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam, có thể nói chưa khi nào có một cuộc đổi ngôi lạ lùng đến vậy.
Loạn thế xuất anh hùng
Cuộc khủng hoảng của Coteccons giai đoạn 2019 – 2020 không chỉ dẫn đến cuộc hoán ngôi đổi vị lạ lùng nêu trên mà còn khơi mào cho một cuộc đua tranh mới giữa các doanh nghiệp xây dựng.
Để nhìn rõ cuộc đua tranh này, phải ngược về năm 2018. Đó là năm Coteccons lên kế hoạch cho việc sáp nhập Ricons – một thành viên của hệ sinh thái Coteccons đồng thời là ngôi sao trẻ đang có phong độ cực cao của ngành xây dựng với tốc độ tăng trưởng doanh thu lên tới vài nghìn tỷ đồng mỗi năm (2016: 4.790 tỷ đồng; 2017: 6.560 tỷ đồng; 2018: 9.305 tỷ đồng – lớn thứ 3 thị trường). Tuy nhiên, kế hoạch này của ban lãnh đạo Coteccons (đứng đầu là ông Nguyễn Bá Dương) đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cổ đông lớn Kusto. Kết quả là sau 2 năm giằng co, kế hoạch sáp nhập Ricons đổ bể.
Sau thương vụ bất thành, Ricons đã tỏ rõ xu hướng ly khai Coteccons. Và khi ông Nguyễn Bá Dương rời khỏi Coteccons (2020), Ricons cũng chính thức tuyên bố về sự độc lập của mình. Theo đó, trên logo của Ricons, dòng chữ “Coteccons Group” đã biến mất, nhường chỗ cho cụm từ “Since 2004” (năm thành lập công ty). Ricons cũng đổi tên thành Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (danh xưng tập đoàn duy trì tới năm 2022) và công bố hệ sinh thái Ricons Group (cùng với những Rihomes, Riland, Ricommerce, QuiHub) tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu trong tương lai.
Sự ly khai của Ricons diễn ra trong bối cảnh 2 gã khổng lồ Coteccons, Hòa Bình cũng như toàn ngành xây dựng rơi vào khủng hoảng đã khiến vị thế của công ty này thay đổi. Mặc dù giai đoạn 2019 – 2021, Ricons cũng chịu sự suy giảm về doanh thu so với 2018, tuy nhiên mức độ suy giảm của Ricons là không lớn khi doanh thu vẫn dập dềnh quanh mốc 8.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, tới năm 2021, khi doanh thu của Coteccons và Hòa Bình “chạm đáy”, Ricons không chỉ là doanh nghiệp xây dựng lớn thứ 3 thị trường mà còn thu hẹp khoảng cách với 2 gã khổng lồ về quy mô doanh thu khi chênh lệch chỉ còn 1.000 – 3.000 tỷ đồng – khác biệt hoàn toàn so với mức chênh lệch hàng chục nghìn tỷ đồng ở giai đoạn trước đó. Điều này tiếp tục được củng cố trong năm 2022 khi Ricons có sự đột phá lớn về doanh thu, vượt qua ngưỡng 11.000 tỷ đồng (đạt 11.384 tỷ đồng), tiếp tục bám sát Coteccons và Hòa Bình với chênh lệch khoảng 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh Ricons và cũng trong thời gian Ricons quật khởi, có một cái tên khác cũng đã làm “náo loạn” trật tự của ngành xây dựng là Newtecons. Xét về gốc gác, doanh nghiệp này là “người bà con” với Ricons khi một thời cùng nằm trong hệ sinh thái Coteccons với tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng FDC. Bước ngoặt của FDC là năm 2019, khi công ty đổi tên thành Newtecons – một động thái diễn ra trong bối cảnh xung đột tại Coteccons trở nên gay gắt và sau đó là thương vụ sáp nhập Ricons đổ bể.
Kể từ khi đổi tên, Newtecons đã có màn tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong cơn khủng hoảng của ngành xây dựng. Doanh thu 2019 vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng rồi tăng lên hơn 4.700 tỷ đồng năm 2020, tăng tiếp lên 5.363 tỷ đồng năm 2021 và đột biến lên 11.000 tỷ đồng năm 2022. Với doanh số này, Newtecons đã nhảy lên đứng vị trí thứ 4 trong số các doanh nghiệp xây dựng lớn nhất thị trường.
Một điều cần biết là cả Newtecons và Ricons đều thuộc về ông Nguyễn Bá Dương. Sự vươn lên mạnh mẽ của cả 2 doanh nghiệp này diễn ra đồng thời với quá trình ông Dương rời khỏi Coteccons, hệ sinh thái Coteccons tan rã và doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam này suy sụp trong các năm 2020 – 2021, một bằng chứng về sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn của vị doanh nhân sinh năm 1959.
Tuy nhiên, tác động của sự tan rã hệ sinh thái Coteccons lên cục diện thị trường xây dựng không chỉ dừng lại ở Ricons và Newtecons. Trước cả 2 doanh nghiệp này, một cuộc ly khai khác đã diễn ra sớm hơn, ngay từ năm 2017, với nhân vật chính là ông Trần Quang Tuấn – người đã lập nên Central Cons. Tách khỏi Coteccons ngay trong giai đoạn đỉnh cao, nhưng ông Tuấn vẫn đưa Central Cons phát triển nhanh chóng. Chỉ trong vòng 5 năm, doanh nghiệp này đã đi từ 0 đến gần ngưỡng doanh thu 9.000 tỷ đồng (2022). Trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất, Central Cons như từ dưới đất chui lên, đàng hoàng chiếm lấy vị trí thứ 5.
Như vậy, có thể thấy, sự tan rã của hệ sinh thái Coteccons hậu kỳ Nguyễn Bá Dương đã tạo ra các ngôi sao trẻ có sự tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ, trong vòng vài năm ngắn ngủi đã trở thành những “ông lớn”, soán đoạt các vị trí trong tốp đầu của ngành xây dựng Việt Nam từ tay các “lão tướng” như Sông Đà, Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng số 1, Delta, Phục Hưng Holdings…
Cuộc tranh giành ở phần còn lại
Không có các đột biến như tốp 5, song trật tự của phần còn lại trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cũng có những xáo trộn đáng chú ý. Trong đó, thứ hạng của Tổng công ty Sông Đà và Vinaconex có thể xem là điều đáng bàn nhất.
Tổng công ty Sông Đà từng là doanh nghiệp xây dựng lớn nhất khi từ 10 năm trước (2013) đã có doanh thu xây lắp hơn 9.000 tỷ đồng. Để dễ hình dung, trong cùng năm đó, doanh thu của Coteccons mới chỉ hơn 6.000 tỷ đồng, còn Hòa Bình mới hơn 3.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị thế của Sông Đà nhanh chóng mất đi khi trong vòng 3 năm tiếp theo, công ty chỉ có thể nâng doanh thu xây lắp thêm 1.000 tỷ đồng để cán mốc hơn 10.100 tỷ đồng. Trong khi đó, vào năm 2016, Hòa Bình đã kịp đưa doanh thu lên hơn 10.700 tỷ đồng, còn Coteccons thậm chí đã nâng doanh thu lên mức gấp đôi Sông Đà. Điều đáng buồn hơn nữa là kể từ sau 2016, Sông Đà hầu như không còn được nhìn thấy doanh thu xây lắp tăng trưởng nữa. Trong 7 năm (từ 2016 đến 2022), doanh thu xây lắp của Sông Đà đã lao dốc từ hơn 10.100 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.600 tỷ đồng, đẩy “ông trùm” một thời xuống chiếu dưới với “đám trẻ”.
Không quá thảm như Sông Đà nhưng Vinaconex cũng là một nỗi thất vọng không nhỏ. Từng là “ông lớn” xây dựng tốp đầu, khi có doanh thu xây lắp hơn 6.000 tỷ đồng vào năm 2013, tức ngang ngửa với Coteccons và lớn hơn Hòa Bình, nhưng trong vòng 10 năm tiếp theo, doanh nghiệp này đã không thể tạo ra bất cứ một sự đột phá nào khi doanh thu mảng xây lắp cứ xập xình trong quãng 3.000 – 5.000 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, trong suốt 10 năm, chỉ có 2 lần doanh thu xây lắp của Vinaconex hồi phục về ngưỡng 6.000 tỷ đồng là 2017 và 2022, nhưng chưa lần nào vượt qua được cột mốc 2013.
Chính màn trình diễn có phần bạc nhược nêu trên đã khiến Vinaconex hụt hơi trong cuộc đua ngôi vị bá chủ ngành xây dựng. Không những thế, doanh nghiệp này còn bị “lứa trẻ” như Hưng Thịnh Incons vượt mặt. Thành viên chuyên trách xây lắp của nhà Hưng Thịnh sau giai đoạn tăng trưởng rất mạnh 2016 – 2018 (doanh thu tăng từ 948 tỷ đồng lên 4.061 tỷ đồng) đã chính thức vượt mặt Vinaconex vào năm 2020 với doanh thu 4.552 tỷ đồng rồi 2021 với doanh thu 6.163 tỷ đồng, gần như gấp đôi Vinaconex trong cùng giai đoạn (chỉ khoảng 3.200 – 3.500 tỷ đồng). Phải tới năm 2022, mảng xây lắp của Vinaconex mới lấy lại được vị thế dẫn trước Hưng Thịnh Incons nhưng chênh lệch 2 bên cũng chỉ là vài trăm tỷ đồng.
Cũng có diễn biến tương tự như Vinaconex là Fecon và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Với Fecon, nhà thầu hàng đầu về nền móng và công trình ngầm này sau khi đưa doanh thu vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng vào năm 2016 đã loay hoay rất lâu mà không tìm được đột phá lớn nào, ngoại trừ năm 2021 doanh thu vượt ngưỡng 3.000 tỷ đồng. Với Hancorp, tình hình cũng không khác là bao. “Ông lớn” xây dựng Thủ đô từ 2015 đã có doanh thu xây lắp hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng suốt các năm sau đó không có thay đổi lớn, doanh thu cứ lên xuống quanh ngưỡng 2.000 tỷ đồng, thậm chí có năm tụt xuống ngưỡng 1.500 tỷ đồng (2020) hoặc tệ hơn là ngưỡng 900 tỷ đồng (2021). Điều này khiến cho vị thế của Fecon và Hancorp hầu như không có chút cải thiện nào.
Với Phục Hưng Holdings, nhà thầu danh tiếng một thời này thậm chí còn có phần “tủi hổ” hơn 2 doanh nghiệp nêu trên. Sau khi đưa doanh thu xây lắp vượt ngưỡng 2.500 tỷ đồng giai đoạn 2018 – 2019 (lần lượt là 2.599 tỷ đồng và 2.543 tỷ đồng), Phục Hưng Holdings đã “đánh mất mình” trong các năm tiếp theo, với doanh số thấp nhất vào 2021 (chỉ 841 tỷ đồng) và chỉ mới kịp hồi lên 1.838 tỷ đồng vào năm 2022.
Với Delta và Ecoba, hai doanh nghiệp này gần như không công bố thông tin tài chính, tuy nhiên dữ liệu riêng cho thấy tới năm 2019, doanh thu của Ecoba đã chạm đến ngưỡng 4.700 tỷ đồng sau nhiều năm liên tục tăng trưởng, trong khi Delta có chiều hướng suy giảm với doanh thu khoảng 2.900 tỷ đồng. Giả định không có đột biến nào xảy ra trong các năm tiếp theo, Ecoba sẽ xếp ngang hàng, thậm chí có phần trên cơ so với Tổng công ty Xây dựng số 1 (doanh thu xây lắp ổn định trong khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng suốt từ năm 2017 tới nay), còn Delta sẽ chịu xếp sau một chút.
Sẽ tiếp tục có biến động trong ngắn hạn?
Cho đến thời điểm hiện tại, rất khó để nói rằng trật tự của ngành xây dựng như đã trình bày trên đây sẽ duy trì dài lâu, bởi ngành xây dựng đang trải qua giai đoạn được xem là khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây và sự quật khởi của các ngôi sao trẻ là một biến số rất khó lường.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy một điều là bối cảnh thị trường xây dựng hiện nay đã hoàn toàn khác trước, giai đoạn tăng trưởng bằng lần đã qua. Những Coteccons, Hòa Bình gần như không còn cơ hội tái lập kỳ tích 5 năm tăng trưởng doanh thu gấp 5 lần, hay 3 – 4 lần, kể cả đạt được thành tựu trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động xây lắp. Giờ đây, doanh nghiệp nào đạt được mức tăng trưởng % 2 con số đã được xem là thành công, còn không lỗ đang là mục tiêu phổ biến của đa số nhà thầu. Bởi vậy, trong ngắn hạn, vị trí bá chủ vẫn sẽ là cuộc đua tranh giữa Coteccons và Hòa Bình.
Tất nhiên, sức bật của Ricons hay Newtecons là không thể phủ nhận, nhất là khi chênh lệch doanh thu giữa 2 doanh nghiệp này với Coteccons, Hòa Bình chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Còn trong một “kịch bản điên rồ”, vị trí bá chủ của Coteccons hay Hòa Bình hoàn toàn có thể bị soán đoạt nếu như các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương” (gồm: Ricons, Newtecons, SOL E&C, BM Windows, Boho Décor…) tiến hành hợp nhất. Bởi cho tới năm 2022, tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp này đã lên tới 1 tỷ USD, tức lớn hơn doanh thu của Coteccons, Hòa Bình khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng.
Không ai dám nói trước một kịch bản như vậy sẽ xảy ra hay không xảy ra, nhưng nhìn vào cục diện như vậy, có thể thấy ngành xây dựng trong các năm tới sẽ còn nhiều biến chuyển, nhiều bất ngờ và có thêm rất nhiều chuyện để kể.