Doanh nghiệp xây dựng chịu khó khăn kép, biên lợi nhuận giảm sâu

Trước bối cảnh thị trường gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cùng hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào ngành bất động sản trong một thời gian dài khiến nhóm doanh nghiệp xây dựng điêu đứng. Đến cả những doanh nghiệp xây dựng có thâm niên trên thị trường cũng phải ngấm đòn vì khó khăn nhân đôi khiến biên lợi nhuận giảm sâu.

Thị trường xây dựng bất động sản chứng kiến cảnh thanh lọc quy mô lớn chưa từng có kể từ trước đến nay. Khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, vướng mắc pháp lý dự án, lãi suất tăng chóng mặt khiến nhiều đơn vị điêu đứng. Tình trạng chủ đầu tư không thanh toán dẫn đến công nợ tăng cao, dự án đình trệ, không thi công được… bức tranh tài chính từ đó mà suy giảm theo.

Doanh nghiệp xây dựng chịu khó khăn kép, biên lợi nhuận giảm sâu - Ảnh 1

Hoạt động cầm chừng

Khó khăn khiến nợ đọng vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu nợ nhà cung cấp vật liệu… khiến nhiều nhà thầu xây dựng gặp khó khăn và chưa tìm được lối ra.

Từ bức tranh tài chính của 3 doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng là Coteccons, Hòa Bình và Ricons cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm, biên lợi nhuận lần lượt giảm còn 1,8%, -17% và 2,5%.

Cụ thể tại Coteccons, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 22 tỷ đồng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái đạt 29,3 tỷ đồng. Trong quý, Coteccons mang về 3.129 tỷ đồng doanh thu bán hàng nhưng giá vốn tăng cao hơn 3.074 tỷ đồng đã bào mòn lợi nhuận và chỉ mang về 55,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 84,5 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ nhưng chi phí tài chính lại tăng đột biến lên tới 31,8 tỷ đồng khiến lợi nhuận mảng này cũng suy giảm, chưa kể phần lỗ trong các công ty liên kết cũng hơn 5,8 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Coteccons.  
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Coteccons.  

Tính đến cuối quý I/2023, Coteccons có 20.042 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó, nợ phải trả đạt mức 11.806 tỷ đồng, cao hơn số vốn chủ sở hữu, vốn chủ sở hữu chỉ có 8.236 tỷ đồng.

Ngược về năm tài chính 2022, Coteccons cũng chỉ lãi 20,8 tỷ đồng, giảm gần 14% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi hoạt động.

Còn tại Ricons, Báo cáo tài chính hợp nhất của Ricons cho thấy quý I/2023, doanh thu thuần đạt 1.718 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, do 2 mảng cốt lõi đều suy yếu: doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 1.699 tỷ đồng, giảm 12%; doanh thu hoạt động bất động sản đầu tư đạt 16 tỷ đồng, giảm 78%...

Do doanh thu giảm, lợi nhuận gộp quý I/2023 cũng chỉ đạt 42 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 2,5%, giảm nhẹ so với cùng kỳ là 2,62%; riêng biên lợi nhuận gộp của mảng hoạt động xây dựng là 2,29%.

Báo cáo tài chính Ricons.  
Báo cáo tài chính Ricons.  

Nặng nề nhất phải kể đến là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Chỉ tính trong quý I/2023, doanh nghiệp này đã kinh doanh dưới giá vốn khiến bức tranh tài chính ảm đạm và thua lỗ nặng nề.

Báo cáo tài chính Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).  
Báo cáo tài chính Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).  

Chỉ tính riêng trong quý I, HCB đã lỗ tới 203 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 198 tỷ đồng. Khó khăn đến từ hoạt động tài chính trong khi đó, chi phí lãi vay gia tăng, cùng với các chi phí khác khiến tập đoàn này đã lỗ ròng tới 445 tỷ đồng, ghi nhận lỗ đậm quý thứ 2 liên tiếp.

Chưa kể, trong khoảng thời gian dài diễn ra tranh chấp nội bộ, Tập đoàn Hòa Bình như rắn mất đầu, thiếu người điều hành cho tới khi ổn định thì tình hình tài chính cũng đã thụt lùi quá sâu. Đến tháng 3 năm nay, nhóm thầu phụ tại một số dự án do Hòa Bình làm tổng thầu đồng loạt thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ.

Được biết, các công ty trên đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công tác quản lý và điều hành sản xuất gặp khó khăn.

Cần phải đa dạng hóa danh mục đầu tư

Bối cảnh thị trường có nhiều bất lợi, không thể chăm chăm vào lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, thương mại để mang lại lợi nhuận nữa mà nhóm doanh nghiệp này cần phải linh hoạt đa dạng hóa danh mục đầu tư để tồn tại.

Doanh nghiệp xây dựng chịu khó khăn kép, biên lợi nhuận giảm sâu - Ảnh 2

Có thể thấy, những ông lớn trong ngành xây dựng trước giờ chỉ chủ yếu phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại vì danh mục này mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, ít những ai phát triển Nhà ở xã hội hay công trình hạ tầng, nhà xưởng, trường học hay bệnh viện… Điều này cũng vô hình dung ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển chung của hạ tầng khi nhiều địa phương trên cả nước thiếu trường học, thiếu bệnh viện…

Trong giai đoạn khó khăn này, nhóm doanh nghiệp xây dựng không còn nhiều lựa chọn để triển khai những dự án hay đại đô thị mà cần bắt tay, san sẻ các danh mục đầu tư khác. Đơn cử như Coteccons đã thắng gói thầu của Lego với mức đầu tư 1 ty USD ở Bình Dươngvà tạo việc làm cho hơn 2.000 công nhân dù nhiều đơn vị khác phải sa thải nhân sự.

Còn ông Lê Viết Hải - chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết doanh nghiệp này cũng sẽ phải tìm kiếm thêm các đơn hàng thuộc các công trình công nghiệp, hạ tầng, đầu tư công và nhà ở xã hội. Ông Hải kỳ vọng các mảng này sẽ phần nào bù đắp cho những mảng đang sụt giảm hiện nay như nhà cao tầng, bất động sản du lịch…

Hay như đại diện một nhà thầu lớn ở TP.HCM cho biết hiện, doanh nghiệp này vẫn nỗ lực hoàn thành các công trình và tìm kiếm các dự án mới. Theo vị này, doanh nghiệp đã phải chuyển hướng để tìm kiếm các dự án mới trong lĩnh vực nhà xưởng công nghiệp, hạ tầng giao thông để có thể duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nhiều dự án đầu tư hạ tầng giá trị lớn của Chính phủ sẽ được mở thầu phù hợp với năng lực các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Nhiều liên doanh trong ngành có thể tạo nên sức mạnh tổng lực, là cơ hội lớn cho các nhà thầu nội nhận được dự án quan trọng của quốc gia.

Ngoài ra, một trong những điểm yếu của nhà thầu xây dựng là cạnh tranh về giá chào thầu. Công ty xây dựng thường không có một cơ chế giá hay sức mạnh đàm phán giá với các chủ đầu tư bất động sản. Điều này khiến các doanh nghiệp xây dựng luôn ở vị thế chịu trận, bị động, chấp nhận biên lợi nhuận mỏng để thực hiện dự án. Giới chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau nhiều hơn, liên minh, tránh các cuộc chiến về giá, hay gây tổn thương không đáng có cho ngành.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển