Mua bảo hiểm lãi cao hơn ngân hàng, mức sinh lời đến 6.5%

Đây là mức lãi suất người tham gia bảo hiểm được nhận tuỳ thuộc vào kết qủa kinh doanh của các quỹ liên kết chung của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Mức ghi nhận chi trả trong những năm gần đây thường từ 5 - 6%, nhiều thời điểm “cao hơn” mức lãi suất ngân hàng hiện hành.

Lãi suất bảo hiểm trả cao hơn ngân hàng

Cụ thể, theo báo cáo hoạt động của Quỹ liên kết chung của công ty bảo hiểm Generali năm 2023, mức lãi suất công ty này đang chi trả cho các khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm, mức cao nhất là 6,5% vào quý IV/2023, còn mức bình quân của năm 2023 là 5,83%. 

Đây được coi là mức chi trả lãi suất cao nhất cho Quỹ liên kết chung của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Bảng lãi suất đầu tư Quỹ liên kết chung được Generali công bố từ 2021 - 2024, mức chi trả cao nhất là 6,5% vào Quý IV/2023. Ảnh Generali V  
Bảng lãi suất đầu tư Quỹ liên kết chung được Generali công bố từ 2021 - 2024, mức chi trả cao nhất là 6,5% vào Quý IV/2023. Ảnh Generali V  
Tương tự, báo cáo hoạt động quỹ liên kết chung, Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD cho thấy, hiệu quả của quỹ này ở mức 7,29%, mức này được cho là cao hơn khá nhiều so với lãi suất hiện hành của một số ngân hàng. Giá trị của Quỹ này cũng đã tăng trưởng thêm hơn 877 tỷ đồng đạt mức hơn 3.161 tỷ đồng. Những khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của FWD sẽ nhận được mức lãi suất trung bình là 5,67% cho năm 2023. Con số này cao hơn mức chi trả của năm 2022 ở khoảng 4,4 – 4,9%. 

MBAgeas với sản phẩm Món quà Phú Quý đang duy trì mức lãi suất hàng năm từ 2020 đến này là 5-6%, có thời điểm tháng 4/2024 mức này trội lên là 8.25%. Còn sản phẩm Sống trọn Ước mơ thì ở mức thấp hơn từ 4,5 – 5%.

Theo chị Vân Trần (42 tuổi), ở Thanh Trì, Hà Nội, có tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Chubblife từ năm 2017, hàng năm chị đều nhận được email thông báo kết quả kinh doanh Quỹ liên kết chung. Mức lãi suất chị nhận được năm 2017 là khá cao 6,15%, 2018 là 5,73% và có xu hướng giảm dần theo tình hình kinh tế, đến năm 2022 chỉ còn mức 4,2%, đến 2023 mức lãi suất được công bố cho các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung của Chubblife là 4,5%.

“Với mức phí tham gia mỗi năm là 10 triệu đồng, tham gia bảo hiểm vừa được bảo vệ, sau 20 năm nhận lại gốc và thêm phần lãi suất, nhiều thời điểm còn cao hơn lãi ngân hàng, tôi cảm thấy hợp lý với tỷ suất chi trả này”, chị Vân chia sẻ thêm. 

Theo ghi nhận của VietnamFinance, Prudential cũng chi trả cho Quỹ liên kết chung này ở mức trung bình 5,25 – 5,5% cho tất cả các dòng sản phẩm bảo hiểm Liên kết chung. Một doanh nghiệp bảo hiểm khá “non trẻ” đó là Phú Hưng Life cũng đang có mức chi trả lãi suất cho các dòng sản phẩm liên kết chung khá cao, 2023 trung bình là 5,57%/năm. 

Cathay Việt Nam đang được xem là một trong các công bảo hiểm trả lãi suất cao, ổn định suốt nhiều năm liền và chia lãi giống nhau cho tất cả các sản phẩm của Quỹ liên kết chung. Theo BCTC 2023 của Quỹ liên kết chung, tỷ suất đầu tư thực tế bình quân của Quỹ Liên Kết Chung trong năm 2023 của hãng này là 7,43%, trong đó tỷ suất đầu tư bình quân thanh toán cho bên mua bảo hiểm trong năm ở mức 5,66%. Thậm chí theo thông tin công bố trong Quý I/2024, Cathay vẫn luôn duy trì mức chi trả lãi suất lớn hơn 5,8%/năm. 

Mua bảo hiểm lãi cao hơn ngân hàng, mức sinh lời đến 6.5% - Ảnh 1
Bảng công bố lãi suất Quỹ liên kết chung 4 tháng đầu năm 2024. Ảnh :Cathay Việt Nam.

Đáng chú ý hơn cả là Sunlife Việt Nam, mặc dù báo cáo kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp, thuế nộp cho nhà nước 0 đồng nhưng Quỹ liên kết chung vẫn duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể tổng tài sản tính đến 31/12/2023 đạt hơn 3.286 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 3.005 tỷ đồng. Tỷ suất đầu tư của Quỹ liên kết chung đạt mức khá cao 7,78%, tỷ suất đầu tư thanh toán cho các chủ hợp đồng bảo hiểm ở mức 5,81%, tăng so với năm 2022 là 4,74%. 

Trong danh sách các công ty bảo hiểm đầu ngành tại Việt Nam, Manulife đang có mức chi trả lãi suất Quỹ liên kết chung được xem là thấp nhất. Theo báo cáo tỷ suất đầu tư thực tế bình quân của Quỹ Liên Kết Chung trong năm 2023 của hãng này là 5,43%, trong đó tỷ suất đầu tư bình quân thanh toán cho bên mua bảo hiểm trong năm ở mức trung bình là từ 3,5 – 4,2%. Thực tế, Manulife đã phải trải qua một năm với nhiều khó khăn từ việc lùm xùm liên quan đến việc bán chéo sản phẩm qua bancassurance là SCB, đến khủng hoảng chung của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, giá trị thuần Quỹ liên kết chung của Manulife vẫn tăng lên hơn 26.420 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 21.921 tỷ đồng. 

Hiểu về bảo hiểm có tính năng đầu tư

Chị Lan Hương(33 tuổi), một tư vấn viên bảo hiểm lâu năm ở Hà Nội cho biết, hiện nay có 2 loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phổ biến là BHNT liên kết Chung và BHNT liên kết Đơn vị. Lãi suất chi trả được nêu trên là dành cho các hợp đồng Liên kết chung. 

Loại hợp đồng bảo hiểm này ngoài mức chi trả lãi suất theo tình hình kinh doanh hàng năm, còn có cam kết mức lãi suất tối thiểu cho khách hàng tham gia. Mức này có nghĩa là trong trường hợp công ty bảo hiểm làm ăn thua lỗ thì khi hết thời hạn hợp đồng, khách hàng vẫn nhận về số tiền cam kết. 

Theo chị Hương, khi lựa chọn sản phẩm liên kết chung khách hàng cũng cần lưu ý, mức lãi suất như trên là tính cho phần tiền được phân bổ vào giá trị tài khoản sau khi đã trừ đi các loại phí như phí ban đầu, phí khấu trừ rủi ro, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ theo quy định của Bộ tài chính và mức phí này thay đổi theo các năm. 

Mua bảo hiểm lãi cao hơn ngân hàng, mức sinh lời đến 6.5% - Ảnh 2

“Nhiều khách hàng nhầm lẫn là khoản lãi này tính trên số tiền phí nộp vào nhưng không đúng. Vì vậy trước khi tham gia, người mua cần hỏi rõ tư vấn về điều này để tránh những hiểu lầm và tham gia nhầm sản phẩm, tham gia không đúng với nhu cầu của bản thân”, chị Hương nói thêm.

Trên góc độ đầu tư, các chuyên gia tư vấn Tài chính cá nhân cho rằng, BHNT Liên kết chung hay liên kết đơn vị thì đều là sản phẩm bảo hiểm có tính năng đầu tư, tuy nhiên bảo hiểm trước tiên phải là bảo vệ. Phần lãi suất được chi trả hàng năm của sản phẩm liên kết chung cho bên mua bảo hiểm theo thống kê trong khoảng 20 năm trung bình ở mức 5 - 6%, tương đương với mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ 2 hình thức này bởi bảo hiểm phải tham gia đóng tiền kỷ luật hàng năm, nhằm bảo vệ trước những rủi ro, không phải muốn rút ra lúc nào cũng được, rút trước sẽ tính phí huỷ bỏ hợp đồng theo điều khoản, còn ngân hàng thì ngược lại, linh hoạt hơn. 

“Mỗi một công cụ tài chính có chức năng riêng, người tham gia cần hiểu rõ và được tư vấn kỹ càng, tránh tình trạng như trước đây khi người mua bảo hiểm được tư vấn đóng phí 6 - 7 năm, rút ra nhận cả gốc lẫn lãi. Điều này là hoàn toàn không thể trong bảo hiểm và gây nên rất nhiều hệ luỵ xấu”, một vị Chuyên gia tài chính cá nhân nhấn mạnh. 

Xuân Thạch

Theo VietnamFinance