Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 khó hoàn thành
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả giải ngân trong cả nước ước 10 tháng đạt 52% tổng kế hoạch vốn và đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thi công Kênh dẫn nước La Khê thuộc Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh. |
Nguồn vốn cần giải ngân vẫn còn rất lớn
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả giải ngân trong cả nước ước 10 tháng đạt 52% tổng kế hoạch vốn và đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 cũng chỉ đạt 52,6%. Đặc biệt, hiện có tới 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 10%; 4 địa phương giải ngân dưới 30% trong tổng số 52 bộ, cơ quan trung ương và địa phương có kết quả giải ngân ước 10 tháng thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm so với kế hoạch.
Trước tình hình giải ngân đầu tư quá chậm, ngày 3/11, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch số 5454/KH-UBND phát động thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu đạt 95% như kế hoạch đề ra.
Theo số liệu tổng hợp tại Văn bản số 5477/UBND-DA của UBND TP.HCM, hàng ngàn tỷ đồng dự kiến không giải ngân được khi kết thúc năm 2023.
Cụ thể, có 79 dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, nên không giải ngân được phần vốn xây lắp. Vốn xây lắp của 79 dự án được giao kế hoạch năm 2023 là 10.865 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9 mới giải ngân được hơn 2.000 tỷ đồng (đạt gần 19%). Dự kiến hết năm 2023, chỉ giải ngân được 5.182 tỷ đồng; còn lại 5.683 tỷ đồng không giải ngân được.
Đối với 28 dự án không giải ngân được do chủ đầu tư làm chậm, dự kiến đến hết năm nay cũng chỉ giải ngân được 1.656 tỷ đồng (kế hoạch giao 2.454 tỷ đồng).
Với 16 dự án chậm giải ngân do công tác phối hợp giữa các sở, ngành, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ có thể giải ngân được 358 tỷ đồng (kế hoạch giao 666 tỷ đồng).
Không chỉ các dự án đang thi công dở dang, mà còn có tới 58 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, nhưng chậm làm thủ tục quyết toán, với tổng vốn hơn 155 tỷ đồng.
Những số liệu trên cho thấy, tổng vốn dự kiến không giải ngân hết từ các dự án chậm giải phóng mặt bằng, dự án chậm do các nguyên nhân khác lên đến hơn 6.800 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân như hiện nay, tính đến ngày 10/11/2023 mới đạt tỷ lệ 38%, thì đường về đích 95% còn khoảng cách quá xa.
Thi công dự án đường Vành đai 4. |
Giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Ông Lê Tuấn Anh Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của cả nước. Đó là những vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng như vấn đề chuyển đổi đất rừng, đất lúa, khai thác khoáng sản cũng như vướng mắc trong thực hiện các dự án thuộc chương trình mực tiêu quốc gia. Tình trạng thiếu nguyên liệu thi công tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm).
Ngoài ra, đến tháng 9/2023, mới có hướng dẫn vốn chuẩn bị đầu tư, hướng dẫn điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán năm 2023.
Hơn nữa, các vướng mắc trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... dẫn đến chậm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thi công.
Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ, việc phân bổ vốn còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra và đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...
Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần; đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 (số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy).
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.