Mỹ áp thuế 25%: Nhôm, thép Việt có cơ hội chứ không hẳn chỉ là khó khăn?

Bên cạnh những lo ngại, việc Mỹ chính thức áp thuế 25% và không miễn trừ với các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt bởi bản thân các doanh nghiệp hiện có nhiều lợi thế sẵn có với giá thành cạnh tranh.

Khó khăn không chỉ ở thị trường Mỹ

Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp thuế bổ sung 25% đối với cả thép và nhôm (tức tăng thuế suất với nhôm lên 25% từ mức 10% trước đó). Quyết định của TT Trump cũng xóa bỏ các ngoại lệ và thỏa thuận hạn ngạch của quốc gia cũng như các biện pháp loại trừ thuế quan cụ thể cho từng sản phẩm đối với cả hai loại kim loại này vì lý do an ninh quốc gia và do các miễn trừ đã làm giảm hiệu quả của các biện pháp này.

Mỹ áp thuế 25%: Nhôm, thép Việt có cơ hội chứ không hẳn chỉ là khó khăn? - Ảnh 1
Cơ hội chứ không hẳn là khó khăn.

Như vậy, với quyết định này của Tổng thống Mỹ thuế suất sẽ tăng trở lại 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Argentina, Úc, Brazil, Canada, EU, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Anh và Ukraine đã được miễn thuế vào Hoa Kỳ theo các điều khoản miễn trừ. Mức thuế trên sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3/2025. Đối với các nước đã bị áp thuế 25% từ 2018 (trong đó có Việt Nam) thì tiếp tục duy trì mức thuế trên.

Với Việt Nam, năm 2018 đến hiện tại, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phải chịu mức thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với sản phẩm nhôm theo Tuyên bố 9705.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khẳng định, việc Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm xuống.

Đối với Mỹ, biện pháp thuế chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản và nhu cầu sử dụng lớn tại Mỹ.

Việc khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thép/nhôm các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước khác trong đó có Việt Nam.

Thêm vào đó, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa và khiến các nước tăng cường bảo hộ với mặt hàng thép/nhôm (tương tự như năm 2018 khi Mỹ áp dụng Mục 232 với nhôm thép, EU, Thổ Nhĩ Kỳ… đều đã điều tra tự vệ mới hầu hết thép nhập khẩu). Điều này sẽ khiến quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Mỹ.

Vẫn có những cơ hội mới

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, đối diện trước việc áp thuế, bản thân các doanh nghiệp đã đánh giá tình hình nhằm có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế giá cạnh tranh, chất lượng tốt, nên việc áp thuế của Mỹ với tất cả các sản phẩm thép, có thể sẽ là cơ hội cho thép Việt chứ không hẳn là khó khăn.

“Hàng Việt vốn có lợi thế về mặt giá cả nên dù bị tăng thuế thì vẫn còn lợi thế để cạnh tranh tích cực", ông Sưa nói.

Theo phân tích của ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank, trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép và Việt Nam cũng đã và đang phải chịu mức thuế này.

“Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn”, ông Sơn nhận định.

Mỹ áp thuế 25%: Nhôm, thép Việt có cơ hội chứ không hẳn chỉ là khó khăn? - Ảnh 2
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để xuất khẩu sang Mỹ.

Cũng theo đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam, hiện một số mặt hàng thép của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ nhờ lợi thế thuế suất thấp hơn. Các doanh nghiệp sản xuất thép có chứng nhận xuất xứ rõ ràng sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ.

Dẫu vậy, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự thân vận động nhằm tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với nguồn cung từ Trung Quốc.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ để tránh rủi ro bị Mỹ điều tra.

Việc theo dõi sát sao chính sách thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam kịp thời điều chỉnh chiến lược để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.

 

Kỳ Thư

Theo Vietnamfinance