Mỹ áp thuế 46%: 'Phép thử năng lực thích ứng của xuất khẩu Việt Nam'
Luật sư TS.Phan Hoài Nam - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn W&A cho rằng, mức thuế 46% là một tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng về tính dễ tổn thương của mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là một phép thử quan trọng cho năng lực thích ứng và bản lĩnh chuyển mình của cả hệ thống xuất khẩu Việt Nam.
Mức thuế 46% không quá sốc như tưởng tượng
Với mức thuế đối ứng 46%, Việt Nam là nền kinh tế chịu mức thuế thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được Tổng thống Donald Trump công bố mới đây.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, lĩnh vực xuất khẩu – một trong ba "chân kiềng" quan trọng của nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực. Chính sách này không chỉ đe dọa làm gián đoạn dòng chảy thương mại mà còn đặt ra rủi ro lớn cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, lạm phát và việc làm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây về mức áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng là hợp lý, theo đó, cần bình tĩnh, tránh những phản ứng hoảng loạn không cần thiết. Việc chưa điều chỉnh là để giữ vững mục tiêu, đồng thời cần tiếp tục phân tích tình hình thực tế.
“Nếu thực tế vượt quá khả năng kiểm soát, chắc chắn sẽ có điều chỉnh thích hợp. Và tôi tin rằng trong nguy có cơ chứ không hẳn chỉ có nguy”, ông Thiên nói.
Song, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần bình tĩnh xem xét hai vấn đề. Thứ nhất, mức thuế đối ứng 46% thực sự có ý nghĩa gì? Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng khi phân tích cơ cấu, có thể câu chuyện không quá sốc như tưởng tượng.
Thứ hai, cần đánh giá tác động toàn cầu của mức thuế này. Ban đầu, mức thuế có thể gây chấn động, nhưng phản ứng và quá trình đàm phán sau đó sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng thực sự. Mức thuế 46% thực chất là khoản thuế bổ sung, không đồng nhất cho tất cả hàng hóa.
Quan trọng hơn, theo ông Thiên, đây là mức thuế đối ứng, tức có thể thay đổi tùy vào cách Việt Nam phản ứng. Hiện tại, Việt Nam đã có những động thái đầu tiên như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ để làm dịu tình hình và sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai.
Ngoài ra, trước những thông tin này, phản ứng từ dư luận có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng dây chuyền, có thể có lợi hoặc bất lợi. Do đó, Việt Nam phải tính toán để có ứng xử phù hợp, không nên đánh đồng hay "hoảng loạn" theo kiểu tâm lý đám đông, tạo ra cú sốc không cần thiết.
Tương tự, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, vấn đề Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, doanh nghiệp cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, tránh hoang mang hay lo lắng thái quá.
Bởi, mức thuế 46% phía Mỹ đưa ra là con số tổng quan, không áp dụng đồng loạt mà được chia ra theo từng dòng sản phẩm cụ thể.
Hơn nữa, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia xuất khẩu khác cũng bị Mỹ áp thuế, điển hình như Trung Quốc từng chịu mức thuế trên 20%, thậm chí hơn 30%.
Đối với các doanh nghiệp dệt may, bản thân các nhãn hàng hay các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường có tính chiến lược, lâu dài. Do đó trong thời gian tới, dù dòng thuế có biến đổi, xuất khẩu dệt may 2025 tuy có ảnh hưởng nhưng không đến mức quá "sốc".
Phép thử quan trọng cho năng lực thích ứng của xuất khẩu Việt Nam
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong ngắn hạn, chắc chắn thị trường và dòng tiền toàn cầu sẽ có sự thay đổi và Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến tích cực của đầu tư toàn cầu, mở ra thêm nhiều cơ hội mới.
Tuy nhiên, điều này cũng buộc chúng ta phải dịch chuyển cấu trúc thị trường, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất để giảm thiểu rủi ro.

Như vậy, thách thức lớn từ thuế đối ứng 46% sẽ tạo ra cơ hội, tạo ra áp lực để chúng ta điều chỉnh và phát triển theo hướng phù hợp với tình hình mới.
Trong dài hạn, mức thuế đối ứng 46% góp phần làm dịch chuyển cấu trúc phát triển của Việt Nam. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất nhập khẩu cần phải điều chỉnh, thúc đẩy khu vực tư nhân Việt Nam trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, Luật sư, TS. Phan Hoài Nam - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn W&A, Thành viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) cho rằng, mức thuế 46% là một tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng về tính dễ tổn thương của mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, đây cũng là một phép thử quan trọng cho năng lực thích ứng và bản lĩnh chuyển mình của cả hệ thống xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ hậu toàn cầu hóa.
Do đó, đây cũng là một phép thử quan trọng cho năng lực thích ứng và bản lĩnh chuyển mình của cả hệ thống xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ hậu toàn cầu hóa.
Theo vị chuyên gia này, với sự chủ động trong điều hành từ phía Chính phủ, cùng với nỗ lực đổi mới chiến lược từ khu vực doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được hướng đi phù hợp để không chỉ vượt qua thách thức, mà còn tái định vị lại vị thế của hàng hóa Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.