Năm 2021, điểm nghẽn lớn nhất thị trường BĐS sẽ được khơi thông?
Điểm nghẽn về pháp lý là nút thắt lớn nhất khiến nguồn cung trên thị trường bất động sản sụt giảm từ năm 2018. Covid-19 xuất hiện trong năm 2020 là một cú giáng thêm vào thị trường ...
Mặc dù trong thời gian qua thị trường bất động sản (BĐS) đã có sự phục hồi, song vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”, vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến cho nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, thị trường chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Để thị trường BĐS phát triển, ổn định, trở thành lực đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục đầu tư xây dựng. Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi, bổ sung một số điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Mới đây tại tọa đàm toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2021, nhận diện xung lực mới, do báo điện tử VnExpress tổ chức, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng pháp lý vẫn là điểm nghẽn phải tháo gỡ để thị trường bất động sản phát triển hơn nữa.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) phát biểu tại tọa đàm
Theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu, năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp (DN). Ngày 18-12-2020, Nghị định số 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 đã được ban hành để sửa một số điều trong Luật Đất đai nhưng điều đó là chưa đủ khi vẫn còn rất nhiều khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Châu, sự chồng chéo trong các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. “Điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh” – ông Châu nhấn mạnh.
Đồng tình với vấn đề này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cho rằng Nghị định số 148 vẫn chưa lấp đầy khoảng trống về pháp lý bất động sản bởi chưa bao phủ hết những vấn đề của Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Sự chồng chéo, lệch pha giữa những quy định khiến DN lưỡng lự trong đầu tư. Muốn có động lực mới cho lĩnh vực bất động sản từ năm 2021 trở đi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc sửa luật cần “mạnh tay” hơn bởi rủi ro pháp lý sẽ ảnh hưởng và làm hỏng thị trường.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự báo ngành bất động sản năm 2021 tăng trưởng khoảng 6%-7,5% và bình quân 10 năm tới là 7%. Ông Lực chỉ ra những xung lực mới cho thị trường bất động sản năm 2021 khi cho rằng thay đổi trong pháp lý sẽ là một trong những yếu tố quyết định. Cụ thể, một số luật sửa đổi, bổ sung như Luật DN, Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho DN trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài cũng sẽ có những tác động tích cực lên lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. “Trong số 30 DN Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản, có tới 15 DN chọn Việt Nam. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều DN thuộc tốp đầu ở Nhật Bản” – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận. Ngoài ra, các yếu tố như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh, chuyển đổi số và lãi suất thấp là những động lực quan trọng cho thị trường trong năm 2021 và giai đoạn tới.
TS Nguyễn Đức Hưởng – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đưa ra dự báo về cuộc đua giữa chứng khoán và BĐS trong năm 2021. Theo ông Hưởng, chứng khoán đang thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1-2021, chứng khoán sẽ giảm còn bất động sản sẽ tăng nhanh. Về xu hướng đầu tư bất động sản trong tương lai, ông Nguyễn Đức Hưởng tin rằng bất động sản vùng ven TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ lên ngôi; nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền và đất chia lô sẽ bán rất nhanh. Ngoài ra, bất động sản nghỉ dưỡng cũng có nhiều cơ hội phát triển hậu dịch Covid-19. Trong bối cảnh đại dịch tác động lên nhiều ngành nghề, ông Hưởng gợi mở cho các công ty bất động sản nên ứng dụng công nghệ, mở sàn bất động sản online để có thể tăng cạnh tranh bán hàng.