'Năm 2023, cần tránh để tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao gây hệ lụy nợ xấu'
Trao đổi với VietnamFinance, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững và sớm có giải pháp để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán nhằm giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế.
- Để giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt trong suốt năm 2022 đến nay, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi trước hết, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững. Trong đó, các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao. Cần hết sức tránh việc nguồn cung tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây các hệ lụy tiềm ẩn như nợ xấu, kéo lãi suất và tỷ giá tăng cao, tạo bất ổn cho nền kinh tế.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dòng vốn cho vay ra đã tăng khoảng 12,87% so với cuối năm ngoái, tương ứng với dư nợ khoảng 11,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn cho các lĩnh vực sản xuất đang chiếm phần lớn như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế; vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,5%.
Đặc biệt, sau khi NHNN thông báo nới chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2%, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình hình cho vay, giải ngân vốn cũng thông thoáng hơn. Tôi nghĩ đó là tín hiệu tốt vì nhờ vậy, dòng vốn tín dụng kịp thời "chảy về" đã giúp các doanh ngiệp có thêm nguồn lực để có vốn cho các đơn hàng đang vào cao điểm Tết và ổn định hoạt động, thực hiện kế hoạch mở rộng năm 2023.
- Ông từng nêu ý kiến rằng trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế, chấp nhận thu hẹp biên lãi ròng NIM để tìm cách hạ lãi suất cho vay, điều này có quá khó với các tổ chức tín dụng khi năm 2023, vẫn còn nhiều thách thức, thưa ông?
Rõ ràng trong bối cảnh như thế này thì ngành ngân hàng cần đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần cho phục hồi kinh tế. Tôi nghĩ không quá khó để giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên, bằng cách nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đối số, cắt giảm các chi phí trung gian.
Thực tế là đã có những tín hiệu cho thấy, chúng ta làm được, ví dụ mới đây, Hiệp Hội Ngân hàng đã thống nhất cùng các thành viên cam kết không huy động tiền gửi với mức lãi suất vượt quá 9,5%/năm. 2 tuần qua, những ngân hàng đã từng để lãi suất trên mức này đều đã công bố giảm xuống thấp hơn. Đây là điểm tiến bộ so với đầu tháng 12, lãi suất huy động trên thị trường có ngân hàng lên tới 11%/năm.
Cam kết cùng để mức trần lãi suất huy động không quá 9,5% rất có ý nghĩa. Bởi lãi suất huy động là một trong những căn cứ quan trọng để ngân hàng tính toán lãi suất cho vay. Nếu cứ tiếp tục tăng sẽ gây áp lực cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Cùng đó, 19 ngân hàng cũng cam kết giảm lãi suất cho vay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, là "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro". Đây là tín hiệu đáng mừng cho những ngày đầu năm.
- Ông bình luận gì khi gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước mới giải ngân được rất ít ỏi so với dư nợ là 28.500 tỷ đồng?
Theo kế hoạch, gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 sẽ triển khai trong 2 năm. Năm 2022, kế hoạch giải ngân 16.000 tỷ đồng, còn 2023 là 24.000 tỷ đồng. Như vậy là tiến độ còn chưa đạt yêu cầu. Theo tôi, để tháo gỡ nguồn vốn, cần sớm có giải pháp tập trung triển khai có hiệu quả các gói về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế và có giải pháp để đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất này.
Cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt khi một số doanh nghiệp ngần ngại không muốn nhận vì e ngại thủ tục thanh kiểm tra sau này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn có sự điều chỉnh các tiêu chí để được tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong việc hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước cũng là một tín hiệu tốt.
Đồng thời, NHNN đã phát đi thông điệp điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Bộ Tài chính đã rất kịp thời ban hành Nghị định số 65 sửa đổi Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo tôi các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư.
Cần tăng cường giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết khi huy động vốn và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án; có cơ chế để bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và làm ăn chân chính, ngăn chặn kịp thời các hành vi lũng đoạn thị trường và các biểu hiện chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư để thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng vai trò là nơi cung ứng ổn định vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp thời gian tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!