Năm 2025, Hà Nội sẽ xem xét đề án lên quận của 4 huyện

Dự kiến tháng 4/2025, Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét báo cáo tiến độ thực hiện đề án lên quận của 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm; vào tháng 10/2025, sẽ xem xét việc thực hiện đề án lên quận của 2 huyện Hoài Đức, Thanh Trì.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài vừa ký ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa 17 (nhiệm kỳ 2020-2025).

Đáng chú ý, Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét tiến độ thực hiện đề án lên quận của 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì.

Trong đó, dự kiến tháng 4/2025, Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét báo cáo tiến độ thực hiện đề án lên quận của 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm; vào tháng 10/2025, sẽ xem xét việc thực hiện đề án lên quận của 2 huyện Hoài Đức, Thanh Trì.

Trong năm 2025, Hà Nội xem xét báo cáo tiến độ thực hiện đề án lên quận của huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì.  
Trong năm 2025, Hà Nội xem xét báo cáo tiến độ thực hiện đề án lên quận của huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì.  

Một trong những chương trình công tác trọng tâm trong năm 2025 của Thành ủy Hà Nội, là nội dung triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Tiếp tục tập trung chỉ đạo xử lý, có giải pháp gỡ vướng đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến áp dụng pháp luật.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và các dự án, công trình trọng điểm khác của TP.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là ở lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường…

Liên quan đến quá trình lên quận, theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến thành lập 6 quận/thành phố.

Cụ thể, về phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030 dự kiến thành lập các quận Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và quận/thành phố, đô thị Đan Phượng, Mê Linh.

 Thành phố/ thị xã dự kiến thành lập gồm đô thị Sóc Sơn, đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai, đô thị Sơn Tây, đô thị Phú Xuyên. Đô thị dự kiến thành lập, thị trấn là đô thị Chúc Sơn, đô thị Quốc Oai, đô thị Phúc Thọ, thị trấn Tây Đằng, đô thị Tản Viên Sơn, thị trấn Liên Quan, thị trấn Thường Tín, thị trấn Kim Bài, thị trấn Vân Đình.

Về phương hướng phát triển, phát triển đô thị Hà Nội mang bản sắc riêng của Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại", là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh, tuần hoàn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo lập môi trường sống văn minh, có sức hút đầu tư và tạo việc làm, phát triển bền vững. Phát triển không gian đô thị kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm, bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Phát triển mô hình đô thị TOD tại các khu vực có ga đường sắt để mở rộng không gian phát triển, tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cùng với đó, phát triển mở rộng đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng để tạo không gian đô thị cân đối, hài hòa hai bên sông, phát triển trục sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng.

 Hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa và hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tạo lập những thể chế đặc thù để khai thác những tiềm năng, lợi thế riêng có tại mỗi khu vực.

Hoàng Tư

Theo Tài chính doanh nghiệp