Nâng hạng thị trường chứng khoán: Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo đánh giá của giới chuyên môn, 2 vấn đề trọng yếu trong nâng hạng thị trường chứng khoán cần cải thiện là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là những vấn đề căn cơ cần phải giải quyết.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Đâu là giải pháp căn cơ?
Nâng hạng thị trường chứng khoán: Đâu là giải pháp căn cơ?

Tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán

Các tổ chức xếp hạng thị trường (như MSCI, FTSE) hiện đang phân loại các thị trường chứng khoán thành 4 nhóm: Phát triển, mới nổi, cận biên, biệt lập. FTSE còn chia nhóm thị trường mới nổi thành 2 cấp là mới nổi hạng hai/thứ cấp và mới nổi nâng cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán thì sẽ thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỉ USD; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu; tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn, tăng tính chuyên nghiệp, giảm thiểu biến động từ tác động tâm lý thị trường và nâng cao vị thế và hình ảnh của thị trường vốn Việt Nam…

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc, Trưởng Đại Diện Văn phòng Hà Nội, VinaCapital cho rằng việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường.

“Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các Quỹ hưu trí và Quỹ hiến tặng lớn của phương tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung, và các nhà đầu tư tổ chức quy mô cực lớn này đang tìm kiếm thị trường chứng khoán giàu tiềm năng khác để giải ngân”, ông Quang nêu và cho hay trước thời điểm nâng hạng, thị trường chứng khoán thường tăng mạnh.

Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận, hiện tại, Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell. Trong đó, nổi cộm là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Đặng Hồng Quang cho rằng hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quang nêu.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), theo ông Quang, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đi vào vận hành vào cuối tháng 12/2023. Hệ thống này sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán.

“Công ty chứng khoán có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding”, ông Quang chia sẻ.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC), cho rằng hiện các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đặt lệnh mua chứng khoán thì đã phải chuyển đủ tiền vào Việt Nam. Trong khi thông lệ quốc tế thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ phải chuyển tiền sau khi lệnh mua của họ đã được thực hiện thành công để thanh toán giao dịch.

“Điều này gây bất tiện, thậm chí rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài so với việc không cần phải ký quỹ. Họ có thể bị bỏ lỡ cơ hội đầu tư khi chưa kịp chuyển tiền vào Việt Nam để thực hiện giao dịch. Thậm chí có thể bị thiệt hại do khoản vốn bị đóng băng trong thời gian tiền chuyển vào Việt Nam mà không thực hiện được giao dịch hoặc do biến động tỷ giá”, ông Sơn nêu.

Triển khai cơ chế bù trừ là giải pháp căn cơ

Ông Nguyễn Sơn cho rằng giải pháp căn cơ đối với vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là triển khai cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Khi đó, các văn bản pháp lý không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch, đồng thời VSDC là đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán cuối cùng cho các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (với cơ chế CCP sẽ không có việc huỷ giao dịch khi nhà đầu tư mất khả năng thanh toán).

Tuy nhiên, ông Sơn cũng nêu rằng hiện tại có một số lý do khiến cho cơ chế này chưa được triển khai. Cụ thể, cơ chế CCP đang được xây dựng gắn với hệ thống công nghệ thông tin KRX. Tuy nhiên, hệ thống KRX hiện chưa đi vào hoạt động.

Ngoài ra, pháp luật chứng khoán và pháp luật ngân hàng có một số nội dung chưa đồng nhất. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán cần được cho phép làm thành viên bù trừ, kết nối với hệ thống bù trừ thanh toán của VSDC để nhận thông báo về nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư và thực hiện thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư là khách hàng của mình trực tiếp với VSDC.

Trường hợp, nhà đầu tư không đủ tiền hoặc chứng khoán để thanh toán giao dịch của mình, trách nhiệm thanh toán giao dịch chứng khoán sẽ được chuyển sang công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh.

Giải pháp trước mắt và để đảm bảo mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025, Bộ Tài chính cần xem xét sửa đổi Thông tư 120 gỡ bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% tiền trước khi mua chứng khoán.

Thay vào đó, cho phép công ty chứng khoán được quyền chủ động quy định nhà đầu tư của mình có phải ký quỹ hay không. Tỷ lệ ký quỹ đối với từng nhà đầu tư căn cứ vào đánh giá tín nhiệm của công ty chứng khoán, cũng như mức độ rủi ro của từng chứng khoán.

Trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền để thanh toán giao dịch, công ty chứng khoán sẽ phải thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư. Điều này áp dụng cả trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký (NHLK) và chỉ đặt lệnh tại công ty chứng khoán.

Ông Sơn cho biết để công ty chứng khoán có thể kiểm soát được rủi ro khi áp dụng cơ chế này, VSDC đang cùng UBCKNN làm việc với các Ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán để tìm ra giải pháp giúp công ty chứng khoán kiểm soát được rủi ro.

Ví dụ bổ sung quy định trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền và công ty chứng khoán phải bỏ tiền để thanh toán giao dịch mua của nhà đầu tư, chứng khoán đó sẽ được chuyển về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán và công ty chứng khoán có quyền bán số chứng khoán nêu trên để thu hồi nợ.

Ngoài ra, ông Sơn khuyến cáo nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký ký hợp đồng 3 bên, trong đó quy định trường hợp công ty chứng khoán phải bán chứng khoán để thu hồi nợ như nêu trên đây mà không thu hồi đủ nợ thì công ty chứng khoán được phép bán một phần chứng khoán của nhà đầu tư đang lưu ký tại Ngân hàng lưu ký; cấm giao dịch đối với nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán…

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance