Ngân hàng báo 'lãi khủng', chuyên gia dự báo 'có biến'

Bức tranh lợi nhuận quý 1/2021 của một số ngân hàng như MB, ACB, MSB,... tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn khiến nhiều người không khỏi giật mình. Giới phân tích cho rằng, cần thận trọng khi lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao.

Ngân hàng hé lộ lợi nhuận khủng

Hết quý 1/2021, nhiều ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Ngân hàng MSB ước tính lợi nhuận quý 1/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Ngân hàng ACB cũng ước tính lợi nhuận đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 61% so với cung kỳ 2020.

Thậm chí, trong quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại MB đạt gần 4.600 tỷ đồng, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận của ngân hàng riêng lẻ cũng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đạt 4.100 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của SeABank ước đạt 698 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2020. HDBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh với lãi quý 1 ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó lợi nhuận riêng lẻ hơn 1.810 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với quý 1/2020

Tại nhóm big 4 ngân hàng, Vietinbank cho biết, lãi trước thuế quý 1/2021 của ngân hàng này ước đạt từ 7.000-8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Vietinbank.

Trong khi đó với Vietcombank, Chủ tịch HĐQT ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong quý 1 năm nay, ngân hàng đạt lợi nhuận khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (25.200 tỷ).

Ngân hàng báo 'lãi khủng', chuyên gia dự báo 'có biến' - Ảnh 1

Mới đây, Chuyên gia Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã có báo cáo phân tích về triển vọng trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2021. Theo tính toán của nhóm chuyên gia, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng năm 2021 dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan, khoảng 20-25% (so với mức tăng 15,8% của năm 2020).

Nhóm phân tích cho rằng, triển vọng tích cực của kiểm soát dịch Covid-19 cùng với tiến trình sản xuất, cung ứng vaccine tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu sẽ kéo theo sức cầu tiêu dùng và tín dụng, dịch vụ tài chính tăng lên trong năm 2021.

Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ tích cực hơn năm 2020 và có thể tăng khoảng 12-14% trong năm 2021.

Ngoài ra, thu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ.

Hơn nữa, theo Thông tư 03 hiệu lực từ ngày 17/5/2021, lộ trình trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ thực hiện trong 3 năm. Cụ thể, đến thời điểm 31/12/2021, trích lập tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31/12/2022, tối thiểu 60%; đến thời điểm 31/12/2023, 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Do đó, gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro không quá lớn.

Theo tính toán sơ bộ của nhóm chuyên gia, tổng mức dự phòng rủi ro tín dụng cần trích thêm của toàn hệ thống ngân hàng sẽ vào khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 01 là hết sức cần thiết tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc triển khai hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. 

Tuy có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng lợi nhuận ngân hàng năm 2021, song nhóm chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với kết quả lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2021.

Lợi nhuận ngân hàng quý 1/2021 liệu có bị 'thổi phồng'?

Các chuyên gia cho rằng, có 4 lý do nên thận trọng với lợi nhuận ngân hàng quý 1/2021.

Đầu tiên, trong quý 1/2021, lợi nhuận ngân hàng sẽ không phản ảnh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do chưa trích lập đủ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Dẫn chứng số liệu lịch sử cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng rất khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm.

Được biết, tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng mới đây, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, nếu tổ chức tín dụng nào thấy có năng lực tài chính tốt, có thể trích lập nhiều hơn, thậm chí trích lập 100% ngay trong năm nay cũng được.  

Lãnh đạo NHNN cũng chia sẻ đã phải cân nhắc và xem xét khá nhiều để đánh giá tác động của việc trích lập dự phòng. Qua đánh giá cho thấy, nếu yêu cầu các TCTD phải trích 100% ngay trong năm 2021 thì có một số TCTD bị lỗ trong năm nay. Do đó, Thông tư 03 chia ra 3 lộ trình.

Ngân hàng báo 'lãi khủng', chuyên gia dự báo 'có biến' - Ảnh 2

Hai là, Thông tư 03 mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 nên nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro (30%) theo tinh thần của Thông tư này.

Ba là, lợi nhuận quý 1 năm nay so với nền lợi nhuận rất thấp của quý 1/2020, nên tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng số tuyệt đối lớn hơn không nhiều.

Bốn là, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp và nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn (trong quý 1/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020) khiến nợ xấu (gồm cả nợ nhóm 2) có thể tăng lên và như vậy, lợi nhuận các quý còn lại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Đáng chú ý, chuyên gia ngân hàng Đỗ Hoài Linh chia sẻ với báo chí mới đây cho rằng, có nhiều yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng quý I/2021 cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bà Linh không loại trừ khả năng con số về lợi nhuận có thể bị "thổi phồng" so với thực tế.

Một số ngân hàng có mức lợi nhuận "đột biến" gấp 2 hay 3 lần so với cùng kỳ cũng phải xem xét cẩn thận việc bị "thổi phồng". Tất nhiên, việc ngân hàng làm con số lợi nhuận đẹp lên (nếu có) vì mục đích khác nhau, nhãn tiền có thể thấy là vì đạt được mục tiêu cao như kế hoạch các ngân hàng đã đề ra’, bà Linh nhấn mạnh.

 

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ