Ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, chục nghìn tỷ đổ về tài khoản cổ đông

Không còn bị "siết" về việc chia cổ tức, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm nay. Nhiều nhà đầu tư vui mừng khi được trả cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh giá cổ phiếu sụt giảm.

Nhiều ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt

Để chuẩn bị cho kỳ đại hội cổ đông, một số nhà băng tại Việt Nam đã rục rịch lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông sau nhiều năm chia bằng cổ phiếu. Cao nhất, một ngân hàng dự tính trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 30%.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. ACB cho biết sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% là cổ phiếu và 10% là tiền mặt. Cụ thể, ACB muốn phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022, dự kiến thực hiện trong quý III/2023. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. Quy mô cổ tức tiền mặt là khoảng 3.377 tỷ đồng. Trong năm 2022, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.114 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021.

Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%.

Trước ACB, nhiều ngân hàng khác đã chốt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Ngày 21/3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức là 3/4. Nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng).

Trong văn bản xin ý kiến cổ đông, TPBank cho biết kể từ năm 2012, ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông mà dành nguồn lực để tăng vốn điều lệ. Đến nay, xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh, cũng như để tri ân cổ đông, TPBank đã đưa ra kế hoạch trả cổ tức nêu trên.

Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng này sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức. Đến thời điểm này TPBank được cho là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều nhất.

Cùng với TPBank, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa thông qua phương án trả cổ tức trong năm 2023 với tỷ lệ 35%, tổng giá trị hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Trong đó, 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo VIB, liên tục trong 3 năm qua (2020-2022), theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VIB đã không chi cổ tức bằng tiền mặt, chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. VIB đã chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỉ lệ 20% trong năm 2020, 40% trong năm 2021 và 35% trong năm 2022, chưa kể ESOP và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Vì vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 sẽ đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các cổ đông ngân hàng.

VPBank tại đại hội cổ đông năm 2022 cũng cho biết dự kiến từ năm nay sẽ trình đại hội cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hằng năm.

Lãnh đạo VPBank cho biết, Ngân hàng sẽ triển khai bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2023, qua đó củng cố nguồn vốn và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2017. Năm 2022, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 21.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021.

Ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, chục nghìn tỷ đổ về tài khoản cổ đông - Ảnh 1
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 ngân hàng đang tiến hành các thủ tục cần thiết hoặc có kế hoạch dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023. Điểm chung của các nhà băng này là đều có sức khỏe tài chính vững mạnh và khả năng tạo lợi nhuận đứng đầu nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

Trước đó, các ngân hàng niêm yết chỉ có 3 “ông lớn” ngân hàng nhà nước là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt.

Thị trường cũng kỳ vọng những ngân hàng khác có tiềm lực tài chính mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao (CAR) cũng sẽ chia cổ tức tiền mặt trong thời gian tới.

Cổ đông vui mừng khi được trả cổ tức bằng tiền mặt

Động thái chia cổ tức tiền mặt của các ngân hàng diễn ra khi NHNN có chỉ đạo nới lỏng hơn so với những năm trước.
Trước đó, trong suốt 3 năm, 2020-2022, NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngoại lệ, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) vẫn được trả cổ tức tiền mặt do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, NHNN ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 01 là khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Đây là điều kiện để ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chính vì vậy, sau khi được “mở đường” một loat ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì chỉ cổ phiếu như những năm trước.

Nếu như 2 năm trước, nhiều nhà đầu tư vui mừng khi được trả cổ tức bằng cổ phiếu do thị giá cao thì năm nay giá cổ phiếu sụt giảm, tiền mặt lại là vua. Nhiều cổ đông có cơ hội nhận được tiền tươi sau nhiều năm trông ngóng.

Năm nay, nhiều ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt khi chủ trương của nhà điều hành không còn yêu cầu chia cổ tức bằng cổ phiếu như các năm trước, đây là một trong những tin vui đối với nhiều cổ đông, khi cổ phiếu “vua” chưa khởi sắc.

Là một nhà đầu tư “ôm” nhiều cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2022 đến nay, ông Nguyễn Mạnh Hưng (Hà Nội) cho hay giá cổ phiếu ngành này giảm mạnh nên ông rất trông chờ vào cổ tức bằng tiền mặt.

Mặc dù có sự nới lỏng hơn về chỉ đạo, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện chia cổ tức tiền mặt ngay lập tức.

Bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt, không ít ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ.

Chẳng hạn, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.
 

Minh Dũng

Theo VietnamFinance