Thép Tiến Lên (TLH) muốn huy động hơn 1.100 tỷ đồng từ cổ đông, không chia cổ tức năm 2022
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) dự kiến huy động hơn 1.100 tỷ đồng từ cổ đông để tài trợ cho dự án khu dân cư thương mại An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng và bổ sung vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh.
Huy động hơn nghìn tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu là một trong những nội dung mà TLH dự kiến trình tại ĐHCĐ thường niên năm 2023.
Theo đó, tại tài liệu ĐHCĐ, doanh nghiệp này đã có tờ trình về phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán là hơn 112 triệu đơn vị. Đây là số lượng cổ phiếu tối đa dự kiến phát hành, số lượng cụ thể sẽ được xác định sau khi TLH thực hiện xong việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%.
Các cổ phiếu trong đợt phát hành này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Tỷ lệ chào bán là 100%, tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1. Giá chào bán theo công bố của TLH là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền dự kiến huy động từ cổ đông là hơn 1.123 tỷ đồng.
Theo phương án sử dụng vốn, toàn bộ số tiền thu được phân bổ sử dụng cho các hoạt động của TLH. Trong đó, 500 tỷ đồng tài trợ cho dự án khu dân cư thương mại An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) với quy mô hơn 60.000m2, 26 tỷ đồng dùng tài trợ cho dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng (huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng), 597 tỷ đồng còn lại dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, TLH còn dự kiến trình ĐHCĐ các nội dung quan trọng khác như kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án phân phối lợi nhuận, bổ sung vốn cho công ty con…
Về kế hoạch kinh doanh, TLH đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, giảm 6% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 100 tỷ đồng, gấp 12,5 lần mức thực hiện khiêm tốn của năm ngoái.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, TLH sẽ chi trả nốt phần cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% của năm 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự kiến không chia cổ tức năm 2023 do năm 2022 chỉ thu về lợi nhuận sau thuế khiêm tốn 8 tỷ đồng.
Theo TLH, giá nguyên vật liệu đầu vào sử dụng cho việc sản xuất thành phẩm thép vẫn giữ ở mức cao, do đó các nhà máy thép buộc phải tăng giá để bù lỗ khi phải bán thành phẩm dưới giá thành đầu vào suốt năm 2022.
Ngay từ đầu năm 2023, thị trường thép toàn cầu đã được cải thiện, giá thép đã tăng so với năm 2022 từ 15-20%, dự báo giá thép sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, TLH cho rằng nguồn cầu vẫn chưa thực sự hồi phục, do đó giá sẽ không tăng đột biến và được dự đoán sẽ biến động lên xuống cho tới ít nhất cuối quý II và quý III/2023.
Về mặt tích cực, TLH nhận định giá thép sẽ không giảm sâu như trong năm 2022 vì các nhà máy không còn nhiều áp lực về việc giảm tồn kho và có thể tập trung định lại giá để không gặp phải tình trạng giá bán ra thấp hơn giá nguyên vật liệu đầu vào.
“Các chuyên gia đánh giá thị trường sẽ khởi sắc hơn trong quý III và quý IV/2023 khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn trên toàn thế giới, song song với việc chính sách nới lỏng về thắt chặt tài chính và kích thích hỗ trợ doanh nghiệp cả nước. Tập đoàn trong năm 2022 đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất và cũng cơ cấu được những nguồn hàng giá hợp lý tạo tiền đề nền tảng tốt cho sản xuất kinh doanh năm 2023”, TLH cho biết.
Năm 2023, TLH dự kiến bổ sung thêm 86 tỷ đồng vốn cho Công ty TNHH MTV Thép Phúc Tiến. Vốn điều lệ của công ty con này dự kiến tăng từ 214,4 tỷ đồng lên hơn 300 tỷ đồng sau khi được TLH rót thêm vốn.