Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/3): SBT, TCB và TPB

Yuanta ước tính NIM 2023 của TPB giảm 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 3,94% phản ánh ảnh hưởng của mặt bằng lãi suất huy động cao trong nửa đầu năm 2023, tuy nhiên sẽ hồi phục vào nửa cuối năm khi các ngân hàng tăng lãi suất đầu ra để bù đắp lại các rủi ro có thể đến từ chất lượng tài sản giảm sút.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/3): SBT, TCB và TPB
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (8/3): SBT, TCB và TPB

SBT: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 23.011 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) công bố doanh thu quý II niên độ 2022-2023 là hơn 6.981 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng niên độ 2022-2023, SBT ghi nhận doanh thu 12.305 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 384 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.

Doanh thu quý II niên độ 2022-2023 tăng trưởng mạnh nhờ tăng sản lượng tiêu thụ qua các kênh bán hàng, trong đó, sản lượng kênh xuất khẩu tăng hơn 70% so với cùng kỳ, kênh Công nghiệp B2B tăng 26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tăng trưởng đạt được còn nhờ giá đường trong nước cũng tăng theo giá đường thế giới và Việt Nam tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác.

Công ty Chứng khoán Yuanta dự phóng doanh thu cho năm tài chính 2022-2023, 2023-2024 có thể tăng lần lượt 20% và 15% so với cùng kỳ nhờ 3 yếu tố. Một là sức mua tiêu dùng trong nước, vẫn mạnh mẽ. Hai là ngành F&B vẫn duy trì tăng trưởng.

Yếu tố thứ ba, trong 2 quý đầu năm, SBT đã hoàn thành 56% dự phóng trong khi Yuanta kỳ vọng các quý tới, kinh tế và tiêu dùng trong nước sẽ khả quan hơn do lãi suất đang giảm dần. Lợi nhuận sau thuế cho niên độ 2022-2023 kỳ vọng tăng chậm hơn doanh thu, ở mức 3% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao. Tuy nhiên, Yuanta kỳ vọng lợi nhuận sau thuế niên độ 2023-2024 sẽ tăng nhanh trở lại 24% nhờ lãi suất giảm dần và SBT giảm vay nợ.

Yuanta cho rằng ngành đường trong nước đang có nhiều thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung thiếu hụt trên thị trường thế giới và trong nước thì Chính phủ đang mạnh tay hơn đối với tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan.

Yuanta khuyến nghị mua đối với SBT dựa trên 3 luận điểm. Thứ nhất là kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác. SBT kiểm soát chi phí tốt giúp tăng hiệu quả hoạt động.

Thứ hai là giá đường thế giới tăng mạnh do tương lai giá đường có thể nói chỉ đang trông chờ vào nguồn cung từ Brazil. Các quốc gia xuất khẩu nhiều đường đang hoặc là giảm sản lượng, hoặc là chuyển sang dùng đường cho sản xuất Ethanol.

Thứ ba là SBT có nhiều lợi thế cạnh tranh bền vững để hưởng lợi từ sự phát triển chung của ngành đường trong nước như lợi thế nhờ thị phần lớn; lợi thế làm chủ vùng nguyên liệu.

TPB: KBSV khuyến nghị mua với giá mục tiêu 33.000 đồng/cổ phiếu

Năm 2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB) đạt 11.387 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ). Thu nhập ngoài lãi đạt 4.231 tỷ đồng (tăng 18,5% so với cùng kỳ) giúp TOI (tổng thu nhập hoạt động) đạt 15.617 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cùng kỳ).

CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) đạt 38,1% (tăng 426 điểm cơ bản so với cùng kỳ) trong khi chi phí trích lập dự phòng giảm mạnh so với năm 2021 (giảm 36,6% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, với lợi thế cạnh tranh lớn nhờ sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Tập đoàn FPT – tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, TPB là 1 trong những ngân hàng thực hiện chuyển đổi số đầu tiên, đã ghi nhận những thành quả đáng chú ý và kì vọng sẽ có những bước tiến lớn về chuyển đổi số trong thời gian tới.

Năm 2022, trong bối cảnh chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động diễn ra, tăng trưởng huy động khách hàng của TPB đạt 39,7% so với đầu năm, cao hơn so với trung bình nhóm ngân hàng quan sát đạt 11%. Tăng trưởng huy động cao đem lại một số lợi thế cho TPB bao gồm đáp ứng các chỉ tiêu về thanh khoản; áp lực lên NIM giảm nhờ không phải đẩy mạnh lãi suất huy động; kì vọng CASA phục hồi.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự phóng tăng trưởng tín dụng TPB đạt 14,2% trong năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng trong năm 2022 với giả định thị trường bất động sản và trái phiếu tiếp tục trầm lắng.

Yuanta ước tính NIM 2023 của TPB giảm 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 3,94% phản ánh ảnh hưởng của mặt bằng lãi suất huy động cao trong nửa đầu năm 2023, tuy nhiên sẽ hồi phục vào nửa cuối năm khi các ngân hàng tăng lãi suất đầu ra để bù đắp lại các rủi ro có thể đến từ chất lượng tài sản giảm sút.

Yuanta dự phóng NPL (tỷ lệ nợ xấu) của TPB năm 2023 đạt 1,5%, tăng 66 điểm cơ bản so với cùng kỳ sau khi ghi nhận đúng nhóm nợ đối với nợ tái cơ cấu theo thông tư 14/2021/TT-NHNN và chất lượng tài sản bị ảnh hưởng do các diễn biến vĩ mô không thuận lợi. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt 2.597 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ do NPL tăng.

Yuanta dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của TPB đạt 6.803 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, Yuanta khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TPB. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 33.000 đồng/cổ phiếu.

TCB: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 27.618 đồng/cổ phiếu

Trong năm 2022, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 25.568 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ), đạt 95% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 13,5% và thu nhập ngoài lãi tăng 2,3%, tốc độ tăng trưởng đều giảm tốc so với sự bùng nổ của năm 2021 (với tăng trưởng 42% và 25% trong năm 2021).

Tổng tín dụng cả năm 2022 đạt 461.539 tỷ đồng, tăng 12,5%, bằng với room tín dụng được cấp. Trong đó, cho vay tăng tưởng tăng 21% đạt 420.524 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp đạt 41.015 tỷ đồng, tỷ trọng giảm xuống còn 8,9% tổng tín dụng so với mức 15,3% đầu năm.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc giảm số dư trái phiếu doanh nghiệp giúp cho ngân hàng giảm rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như tạo thêm dư địa để tăng trưởng cho vay trong bối cảnh tín dụng được cấp năm 2022 của TCB thấp hơn nhiều so với những năm trước.

VCBS cho rằng cơ cấu tín dụng của TCB có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc cho vay cá nhân và SME trong khi giảm tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay SME tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng và chiếm 15%.

Trong khi tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu cho vay sang bán lẻ và SME hiện đang là xu thế chung của nhiều ngân hàng, sự thay đổi này cũng kỳ vọng giúp TCB duy trì được NIM từ việc chủ động lựa chọn cho vay các phân khúc có lãi suất cho vay cao và đồng thời giảm rủi ro tập trung so với việc cho vay chủ yếu các doanh nghiệp lớn như trước đây

TCB tiếp tục thu hút được số lượng lớn khách hàng mới qua kênh online nhờ vào đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số. Ngân hàng này kết thúc năm 2022 với 10,8 triệu khách hàng, thu hút thêm 373.000 khách hàng mới trong quý IV và 1,2 triệu khách hàng mới trong năm 2022.

Số lượng khách hàng cá nhân mới qua kênh online chiếm 57%, tăng 40% so với năm 2021. Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giúp ngân hàng duy trì được chỉ số CIR thấp hơn trung bình ngành, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế.

Với xu hướng lãi suất huy động tăng mạnh từ cuối quý IV/2022, ảnh hưởng đến chi phí vốn sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong hai quý đầu năm 2023. Với dự báo lãi suất sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay đồng thời tạo áp lực giảm lên số dư CASA, càng tạo áp lực tăng lên chi phí vốn và giảm biên lãi thuần NIM, ảnh hưởng đến tăng trưởng từ lãi của TCB.

TCB đang nắm giữ 41.015 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 9% tổng danh mục tín dụng, trong đó có nhiều trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. VCBS cho rằng ngân hàng này có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 từ đó làm tăng áp lực dự phòng tài chính cho ngân hàng.

Nguồn thu từ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu của TCB trong năm 2022 giảm mạnh do các sự chậm lại của thị trường trái phiếu với nhiều sự kiện vĩ mô bất lợi trong năm. Thị trường trái phiếu được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 và sẽ cần thêm thời gian để hồi phục trở lại. Vì vậy, VCBS đánh giá việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ các hoạt động trái phiếu của TCB trong ngắn hạn.

VCBS ước tính TCB có thể đạt 27.237 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2023 (tăng 6,53% so với cùng kỳ), tương đương EPS đạt 6.093 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 38.225 đồng/cổ phiếu. VCBS khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TCB với giá trị hợp lý là 27.618 đồng/cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance