Ngân hàng chuẩn bị đồng loạt tăng lãi suất cho vay?
Lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên. Nhiều người lo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo làm tăng áp lực tài chính cho người vay.
Lãi suất huy động đồng loạt tăng
Sau thời gian dài liên tục "dò đáy", lãi suất huy động tiền gửi từ người dân tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn, gần đây đã đảo chiều đi lên.
Trong đó, có ngân hàng điều chỉnh lãi suất nhiều lần liên tiếp. Mức tăng lãi suất phổ biến từ 0,1-0,4 điểm %. Thậm chí, có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó.
Điển hình, theo biểu lãi suất mới của Techcombank, liên tiếp trong hai ngày 8/5 và 9/5, ngân hàng này đã liên tục tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Cụ thể, ngày 8/5, Techcombank đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm mức tăng trung bình 0,3-0,4 điểm %. Ngày 9/5, ngân hàng này tiếp tục điều chỉnh tăng trung bình 0,1 điểm phần trăm tại tất cả kỳ hạn.
Tương tự, VIB đã có hai lần tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn với mức điều chỉnh từ 0,1-0,5 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước đó.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có tổng cộng 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động là ACB, Sacombank, Techcombank, VIB, Bac A Bank, GPBank, NCB, BVBank, CBBank, TPBank, PGBank, SeABank và mới nhất là VietABank. Lãi suất ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,5 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Trong tháng 4, cũng có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Mức tăng lãi suất huy động trong tháng 4 phổ biến từ 0,2-0,3%.
Đáng chú ý, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả kỳ hạn trong tháng 4 với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm.
Trước đó, đã có một số ngân hàng tăng lãi suất vào trong tháng 3 là VPBank, Eximbank, SHB và Saigonbank.
Như vậy, tính từ cuối tháng 3 đến nay, đã có khoảng 25 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm.
Với việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động, mức trên 5%/năm ngày càng trở nên phổ biến hơn, thậm chí áp đảo trong biểu lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng.
Lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 6,1%/năm, được OceanBank áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng.
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, VietinBank là ngân hàng duy nhất hiện duy trì mức lãi suất 5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. Vietcombank, Agribank và BIDV đều đang niêm yết lãi suất huy động dưới 5%/năm ở các kỳ hạn này. Thậm chí, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại Vietcombank và Agribank còn được niêm yết dưới 2%/năm.
Các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong bối cảnh tín dụng ấm dần lên trong khi người dân dần rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3 cho thấy, huy động vốn từ dân cư và tổ chức của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Báo cáo tài chính quý I cũng cho thấy tăng trưởng huy động tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều nhà băng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, TPBank, SHB, VIB.
Về phía cầu tín dụng, số liệu của NHNN cho biết, đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tương đương khoảng 13,78 triệu tỷ đồng được cho vay ra nền kinh tế. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã ở mức âm trong 2 tháng đầu năm.
Các chuyên gia nhận định, từ quý II trở đi, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh do nền kinh tế đang hồi phục.
Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Nhưng mức tăng nếu có sẽ không quá lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Các chuyên gia của MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5-0,7 điểm %, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.
Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, mặt bằng lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1%/năm từ vùng đáy, tuỳ kỳ hạn và nhóm ngân hàng. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn, chỉ khoảng 0,5-1%/năm.
Lãi suất cho vay sẽ tăng theo?
Tín dụng tăng trở lại, lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên. Vậy mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ra sao trong thời gian tới?. Với xu hướng lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay được cho là sẽ sớm được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh.
Về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay. Trước mắt, dù lãi suất huy động tăng nhưng các ngân hàng cho biết lãi suất đầu ra không thay đổi, thậm chí là giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất gửi tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp để kích cầu. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay của một số gói tín dụng chỉ từ 2,5-3%/năm cho vay ngắn hạn và 5-6%/năm cho vay trung - dài hạn.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới là 6,4%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm ngoái.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất huy động tăng gây áp lực đến lãi suất vay nhưng hiện tác động chưa đáng kể. Dù lãi suất tín dụng đã ấm dần nhưng so với nhiều năm trước vẫn chậm và chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng. Vì vậy, các nhà băng muốn tăng lãi suất cho vay ở thời điểm này cũng không dễ.
Lãnh đạo một số ngân hàng dự báo lãi suất huy động từ nay đến cuối năm có thể nhích tăng nhưng không nhiều, thậm chí chỉ đi ngang so với quý đầu năm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích, lãi suất cho vay có thể tăng nhưng không phải lúc này mà nhiều khả năng sẽ rơi vào nửa cuối năm nay. Các ngân hàng đang phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất huy động tăng cho đến khi kéo theo lãi suất cho vay tăng cần có độ trễ. Thông thường, từ huy động vốn đến việc đẩy ra nền kinh tế sẽ có độ trễ khoảng từ 2-3 tháng sau khi ngân hàng tính toán đến các loại chi phí.
Ông Hiếu nhận định: Trong nửa sau của năm 2024, hoạt động tín dụng sẽ trở nên sôi động hơn khi các thành phần kinh tế vay vốn nhiều hơn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Khi đó lãi suất cho vay có thể tăng trở lại, cùng nhịp tăng với lãi suất huy động. Còn tại thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục neo thấp lãi suất huy động và cho vay.
Theo các chuyên gia, tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì vậy, về lâu về dài cần duy trì lãi suất cho vay thấp. Nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính.
Trao đổi với báo chí tại họp báo quý I, lãnh đạo NHNN khẳng định đang cố gắng dùng nhiều biện pháp để ổn định tỷ giá.
Trước áp lực tỷ giá, NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng hay giảm. Thay vào đó, nhà điều hành duy trì lãi suất điều hành hiện tại và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhiều lần nhấn mạnh các ngân hàng cần tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để giảm lãi suất cho vay nhiều hơn nhằm hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế phục hồi.